Nếu mực nước biển dâng cao, những quốc gia nào biến mất đầu tiên?
Trước ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầu, mực nước biển đang dâng lên nhanh chóng, tạo ra mối đe dọa khắp hành tinh.
Lê Trang (theo Live Science)
Xem toàn bộ ảnh
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), tốc độ gia tăng của mực nước biển đã tăng hơn gấp đôi, từ 1,4 mm/năm - mức cơ bản trong thế kỷ 20, lên 3,6 mm/năm trong giai đoạn từ 2006 đến 2015.
NOAA dự đoán rằng vào đầu thế kỷ tới, mực nước biển sẽ có thể sẽ tăng lên ít nhất 30 cm so với mức đã được xác định vào năm 2000. Trong khi đó, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc ước tính rằng vào năm 2100, mực nước biển sẽ tăng từ 40 và 63 cm.
Con số này khi mới nghe thì thấy rất nhỏ. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, nếu mực nước biển dâng đến mức này, nó có thể tàn phá toàn cầu ở một mức độ khó lường.
Theo một nghiên cứu vào năm 2019 trên tạp chí Nature Communications, sẽ có khoảng 250 triệu người, trải khắp các châu lục, có thể bị "ảnh hưởng trực tiếp" vào năm 2100.
Đáng chú ý, một số thành phố, tiểu bang, hay thậm chí là cả một quốc gia có thể bị xóa sổ do mực nước biển dâng cao.
Theo Liên minh các nhà khoa học (UCS), Maldives, được tạo thành từ 1.200 hòn đảo san hô nhỏ và là nơi sinh sống của khoảng 540.000 người, có thể sẽ là quốc gia đầu tiên chịu ảnh hưởng từ nước biển dâng cao, do chỉ có độ cao trung bình 1 mét so với mực nước biển.
Họ dự đoán, Maldives sẽ mất khoảng 77% diện tích đất liền vào năm 2100.
Một quốc gia khác có độ cao trung bình cực thấp, với chỉ 1,8 mét so với mực nước biển, là Kiribati cũng sẽ chịu hoàn cảnh tương tự với 2/3 diện tích biến mất.
Trước đó, theo một nghiên cứu vào năm 2016 được đăng tải trên tạp chí Environmental Research Letters, mực nước biển dâng cao đã dẫn đến sự biến mất của ít nhất 5 "đảo đá ngầm thực vật", vốn trước đây là một phần của Quần đảo Solomon.
Ngoài ra, những quốc gia đông dân cũng có khả năng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi mực nước biển, gồm có Trung Quốc, với 43 triệu người ở các địa điểm ven biển, Bangladesh, nơi có 32 triệu người sẽ gặp rủi ro, hay Ấn Độ, với 27 triệu người.
Nhiều thành phố lớn đang có nguy cơ bị ngập lụt rất nghiêm trọng, trong đó không thể không kể đến Jakarta, thủ đô của Indonesia.
Từ lâu, Jakarta, nơi sinh sống của khoảng 10 triệu dân, đã được mệnh danh là "thành phố chìm nhanh nhất trên thế giới", với tỷ lệ chìm trung bình mỗi năm từ 5 - 10 cm do xói mòn. Kết hợp với mực nước biển dâng cao, yếu tố này đã trở thành công thức dẫn đến thảm họa.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, phần lớn diện tích của Jakarta có thể bị chìm dưới nước vào năm 2050. Tình hình ở Jakarta tồi tệ đến mức chính quyền nước này đang lên kế hoạch thay thủ đô của Indonesia thành Nusantara, một thành phố sắp được xây dựng trên bờ biển phía đông của Borneo, khoảng 2.000 km từ Jakarta.
Không chỉ Jakarta, một số thành phố khác như Dhaka, Bangladesh (dân số 22,4 triệu người); Lagos, Nigeria (dân số 15,3 triệu); hay Bangkok, Thái Lan (dân số 9 triệu) cũng có thể bị chìm hoàn toàn, hoặc phần lớn diện tích dưới nước mà không thể sử dụng được.
Tại Mỹ, thành phố New York có nguy cơ cao nhất khi chứng kiến mực nước biển gia tăng. Mức độ dễ bị ngập lụt của New York đã được nhìn thấy rõ ràng vào năm 2012, khi thành phố bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão Sandy.
Khi ấy, ít nhất 43 người trong thành phố đã thiệt mạng do hậu quả của siêu bão, với khoảng 1/4 triệu phương tiện bị phá hủy và tổng thiệt hại lên tới ít nhất 32 tỷ USD. Ngoài ra, bang Florida cũng là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.