Nga có sợ “đánh chuột sợ vỡ bình” khi săn lùng F-16 của Ukraine?
Việc những chiếc chiến đấu cơ F-16 của Ukraine ở đâu, chắc đang làm đau đầu cơ quan tình báo Nga; nếu những chiếc F-16 này hạ cánh xuống lãnh thổ NATO, liệu Nga có sợ cảnh “đánh chuột sợ vỡ bình”?
Tiến Minh (Theo Sina)
Xem toàn bộ ảnh
Niềm hy vọng lúc này nhất của Quân đội Ukraine ở mặt trận Donetsk nói riêng và trên toàn khu vực mặt trận nói chung, là mong muốn sự xuất hiện của máy bay chiến đấu F-16, nhằm hạn chế hoạt động của những chiếc máy bay thả bom lượn của Nga vào các khu vực trận địa của họ.
Theo truyền thông Nga, sân bay Limanskoye ở vùng Odessa, Ukraine, có thể là sân bay đầu tiên để Quân đội Ukraine triển khai tiêm kích F-16. Trước hết, vị trí của sân bay không quá cách xa khu vực giao tranh giữa Nga và Ukraine, mà còn chỉ cách biên giới Romania vài km. Nếu Ukraine nhận được thông tin F-16 bị Nga tấn công, họ có thể rút các máy bay chiến đấu về Romania một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Suy cho cùng, chính các quan chức cấp cao của Kiev đã kéo NATO “vào cuộc” trực tiếp đối đầu với Nga sớm hơn; điều mà họ bấy lâu nay vẫn mong đợi. Thứ hai, Romania có cơ sở kỹ thuật tốt, nơi cũng có thể cung cấp dịch vụ bảo trì cho máy bay F-16 của Ukraine; nếu gặp trục trặc, chúng có thể nhanh chóng được chuyển đến Romania để bảo trì.
Cuối cùng, theo tin tức trên mạng xã hội quốc tế, ngày 4/8, một chiếc máy bay tiếp dầu trên không Airbus A330 MRTT của Anh đã đến sân bay quân sự Constanta ở Romania, phía nam Odessa; dự kiến chiếc máy bay này sẽ chịu trách nhiệm cất cánh từ Romania và tiếp nhiên liệu cho máy bay F-16.
Với sự có mặt của loại máy bay tiếp dầu trên không này, không chỉ giúp máy bay F-16 của Ukraine có điều kiện tiếp nhiên liệu trên không, mà còn làm “phức tạp” thêm quyết định tấn công của Quân đội Nga. Suy cho cùng, việc tấn công máy bay tiếp dầu này chắc chắn đồng nghĩa với việc “bấm nút” để Nga và NATO giao chiến trực tiếp.
Vấn đề khó khăn ở đây đó chính là việc máy bay của NATO cung cấp dịch vụ tiếp nhiên liệu trên không cho máy bay chiến đấu F-16 của Ukraine, nhằm bảo đảm hoạt động của máy bay chiến đấu F-16. Do thời gian để máy bay chiến đấu tiếp nhiên liệu trên đường băng tương đối dài, nên chúng không những dễ bị lộ, mà còn dễ bị tấn công sau khi lộ diện.
Đầu tháng 7 năm nay, Quân đội Nga đã tiêu diệt thành công 5 máy bay chiến đấu Su-27 tại sân bay Mirgorod ở Poltava Oblast, Ukraine, khi tận dụng cơ hội các máy bay chiến đấu này tiếp nhiên liệu trên đường băng sân bay. Ngoài ra, do phi hành đoàn và nhân viên mặt đất phối hợp với nhau khi tiếp nhiên liệu trên đường băng, nếu máy bay chiến đấu bị tấn công thì phi hành đoàn và nhân viên kỹ thuật mặt đất cũng sẽ có thể bị tiêu diệt.
Hiện Ukraine chỉ có một số phi công lái F-16 và số máy bay hạn chế, nếu Quân đội Nga có thể tấn công máy bay chiến đấu F-16 và loại bỏ các phi công Ukraine cùng nhân viên kỹ thuật mặt đất, đó chắc chắn sẽ là chiến lược cao tay của Quân đội Nga.
Tất nhiên, máy bay chiến đấu F-16 của Ukraine có thể được tiếp nhiên liệu trong các nhà chứa máy bay dưới lòng đất, nhưng việc xây dựng những nhà chứa máy bay như vậy đòi hỏi rất nhiều thời gian, tiền bạc; trong điều kiện chiến tranh không cho phép Ukraine thực hiện. Vì vậy, tiếp nhiên liệu trên không là phương án đơn giản nhất, để tiêm kích F-16 thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.
Tất nhiên, để tránh các tên lửa siêu thanh của Nga có thể dùng tấn công máy bay chiến đấu F-16, Quân đội Ukraine nên sử dụng nhà chứa máy bay bê tông cốt thép được ngụy trang để chứa máy bay chiến đấu F-16, và họ chắc chắn sẽ chế tạo một số mồi nhử để đánh lạc hướng cuộc tấn công của Nga.
Quân đội Nga muốn săn lùng thành công tiêm kích F-16 phải có 2 khả năng. Thứ nhất là khả năng giám sát liên tục các sân bay trọng điểm ở Ukraine; chỉ cần tiêm kích F-16 xuất hiện, chúng có thể bị phát hiện ngay và bị theo dõi, giám sát theo thời gian thực.
Thứ hai là Quân đội Nga phải có kỹ năng sử dụng vũ khí tấn công tầm xa để tiêu diệt máy bay chiến đấu F-16 bị phát hiện trong khoảng thời gian rất ngắn, cơ bản chỉ trong vòng vài phút. Như vậy những bệ phóng tên lửa Iskander luôn phải ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, điều này cũng gây áp lực cho kíp chiến đấu.
Tuy nhiên, đơn vị chịu áp lực lớn nhất hiện nay trong việc tiêu diệt F-16 của Ukraine chính là cơ quan tình báo Nga. Cho dù là sử dụng các phương pháp trinh sát không gian, UAV trinh sát hay đặc vụ để xâm nhập và khám phá nơi ẩn náu của máy bay chiến đấu F-16, đó là nhiệm vụ mà họ phải hoàn thành.
Trong khi săn lùng máy bay chiến đấu F-16, hai máy bay cảnh báo sớm ASC-890 do Thụy Điển cung cấp để hỗ trợ Ukraine cũng sẽ trở thành mục tiêu chính của Quân đội Nga. Bán kính chiến đấu của loại máy bay cảnh báo sớm này có thể đạt tới 300 đến 400 km, đây là công cụ phụ trợ rất tốt cho tiêm kích F-16, khi radar có tầm hoạt động chỉ hơn 120 km.
Vào tháng 5 năm nay, Thụy Điển tuyên bố sẽ chuyển giao 2 máy bay cảnh báo sớm ASC-890 cho Ukraine. Hiện trên thế giới chỉ có 12 chiếc máy bay chiến đấu loại này và Không quân Thụy Điển có 4 chiếc, mỗi chiếc trị giá hơn 250 triệu USD.
Tuy nhiên, để giảm bớt sự quan tâm của Quân đội Nga trong việc săn lùng tiêm kích F-16 và máy bay cảnh báo sớm hỗ trợ, nhiệm vụ chiến đấu chính của lô tiêm kích F-16 đầu tiên không phải là tấn công các mục tiêu chiến lược ở Nga, mà được sử dụng làm nhiệm vụ phòng không, để đánh chặn tên lửa Nga tấn công Ukraine và UAV tự sát tầm xa.
Về điểm này, những chiếc F-16 của Ukraine chỉ được trang bị tên lửa không đối không tầm ngắn và tầm trung và chỉ được sử dụng trong không chiến. Rõ ràng, Quân đội Ukraine ở tiền tuyến lúc này không thể mong ngóng F-16 F-16 nếu muốn lội ngược dòng. Nhiệm vụ chính ở giai đoạn này của F-16 là bảo vệ khu vực hậu phương trước các cuộc không kích của Nga. (Nguồn ảnh: Ukrinform, TASS, Wikipedia).