Đóng tiền mới được nhận giấy khai sinh?
Theo lá đơn cầu cứu gửi báo điện tử Người đưa tin, anh Trần Đăng Lương (SN 1975) trú tại xóm 15, xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) phản ánh việc UBND xã thu tiền sinh con thứ 3 không đúng theo quy định.
Theo đó, vào năm 2014, gia đình anh sinh thêm một người con trai thứ 3. Tuy nhiên, cũng như nhiều gia đình sinh con thứ 3 trước đó, anh phải tới UBND xã để nộp số tiền 2 triệu theo yêu cầu của cán bộ xã, rồi mới làm được giấy khai sinh.
Anh Lương bức xúc cho biết phải nộp tiền mới được đăng ký khai sinh. |
“Con tôi sinh được khoảng một tuần thì tôi lên làm giấy khai sinh. Tuy nhiên, cán bộ xã không chịu, bảo tôi vi phạm chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình nên phải nộp tiền phạt mới làm giấy khai sinh”, anh Lương kể.
“Vào lúc đó tôi không có đủ tiền, chỉ khoảng hơn 1 triệu, nên tôi bảo cán bộ xã là cho tôi xin nộp một nửa, hôm sau đưa tiền lên nộp sau. Lúc này, xã mới chịu làm giấy khai sinh cho con tôi”.
Một trong những hóa đơn nộp tiền khi người dân sinh con thứ 3. |
Cũng trong trường hợp tương tự, chị Nguyễn Thị Hà (SN 1964), trú tại xóm Hòa Minh, xã Hiến Sơn (huyện Đô Lương) cho biết: Chị làm giấy khai sinh cho đứa con thứ ba nhưng cán bộ xã nhất quyết bắt chị nộp đủ tiền mới cho làm.
“Vào năm 2015, gia đình tôi có sinh thêm một người con trai nữa. Khi lên UBND xã làm giấy khai sinh thì cán bộ đưa ra một biên lai thu tiền bảo tôi vì sinh con thứ 3 nên phải nộp phạt mới được làm giấy khai sinh. Tôi có trình bày hoàn cảnh nhưng cán bộ xã nhất định không chịu. Sau đó tôi phải nộp tiền thì họ mới chịu làm. Đây là số tiền vượt quá khả năng của chúng tôi”, chị Hà nói.
Khi nghe tin có PV xuống địa phương, rất nhiều gia đình sinh con thứ 3 và thứ 4 cũng đã có mặt để chia sẻ về sự việc. Tất cả mọi người đều rất bức xúc trước việc thu tiền phạt của UBND xã Hiến Sơn.
Đây là sự việc đã diễn ra trong thời gian dài, sau này, khi biết rằng quy định mới của Nhà nước không xử phạt đối với các gia đình, cá nhân sinh con thứ 3, anh Lương đã đến UBND xã để hỏi và được các cán bộ ở đây giải thích rằng số tiền anh “tự nguyện” nộp (?!).
“Dân tự nguyện đóng chứ xã không ép”
Sau khi ghi nhận sự phản ánh của người dân, PV đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Quang Dũng, Chủ tịch xã Hiến Sơn, để tìm hiểu thêm về sự việc trên.
Tại trụ sở UBND xã, vị chủ tịch này cho biết, số tiền đó không phải xã ép người dân đóng mà người dân “tự nguyện” đóng, vì đã vi phạm cam kết chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.
“Mỗi năm chúng tôi đều vận động người dân ký vào cam kết thực hiện chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Theo đó, khi người dân nào vi phạm xin chịu trách nhiệm và chấp nhận mọi hình thức xử lý kỷ luật theo quy định. Cụ thể là tự nguyện đóng góp một khoản kinh phí ít nhất 2 triệu đồng”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết thêm, vì người dân vi phạm vào bản cam kết đó nên cán bộ xã cứ theo quy định mà thu. Vì thế, UBND xã “làm đúng luật”.
Tuy nhiên, khi PV cho biết vào tháng 11/2013, Chính phủ đã có nghị định số 176/2013/NĐ-CP về việc “quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế (thay thế Nghị định 114/2006/NĐ-CP) không đề cập gì đến việc “xử lý việc sinh con thứ 3” thì vị Chủ tịch xã này bảo đây là quy định của huyện Đô Lương nói chung và xã Hiến Sơn nói riêng (?!).
Ông Dũng cho biết, UBND xã luôn tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ký cam kết không sinh con thứ 3. Tuy nhiên, nếu sinh con thứ 3, sẽ “tự nguyện” đóng góp vào Quỹ Dân số 2 triệu, sinh con thứ 4 trở lên là 4 triệu đồng.
Nói về việc này, anh Lương cho biết, gia đình anh từ đầu đã muốn sinh thêm con nên đã không ký vào bản cam kết, nên không thể nói gia đình anh vi phạm quy định dân số được. Thế nhưng, khi lên UBND xã làm giấy khai sinh, cán bộ xã vẫn nhất định bắt anh phải nộp tiền mới được làm.
Khi được hỏi về một số trường hợp gia đình sinh con thứ 3 nhưng không làm được giấy khai sinh cho con vì không đóng khoản tiền “tự nguyện” 2 triệu đồng, ông Dũng khẳng định không có việc đó.
“Mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được khai sinh, UBND xã luôn chấp hành quy định, có lẽ một số trường hợp sai sót họ tên hoặc sửa đổi nên mới làm chậm. Dù người dân không nộp tiền, xã vẫn phải có trách nhiệm làm khai sinh cho các cháu”, ông Dũng nói.
>>> Mời quý độc giả xem video Nuôi con bằng sữa mẹ (nguồn VTV):