Nga tấn công bằng tên lửa, cục diện chiến trường Ukraine có thay đổi?
Sau khi cầu Crimea của Nga bị tấn công, Moskva đã tiến hành trả đũa bằng tên lửa vào thủ đô Kiev và nhiều khu vực khác trên toàn lãnh thổ Ukraine; vậy các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga, liệu có thay đổi cục diện cuộc chiến?
Tiến Minh
Xem toàn bộ ảnh
Theo thông tin của hãng tin Anh Reuters, Nga đã thực hiện các vụ tấn công quy mô lớn trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine từ ngày 10 đến nay, cường độ tương đương như những ngày đầu xung đột giữa hai bên bùng nổ.
Theo những thông báo từ phía Nga, được hãng tin Nga Sputnik đưa tin, đây là sự khởi đầu chính thức "sự trả đũa của người Nga" sau khi cầu Crimea bị đánh bom, bất ngờ nhưng không bất ngờ. Vậy, động thái của Nga chỉ là để "trả đũa", hay còn một chiến lược nào khác? Xung đột Nga-Ukraine liệu có đi đến bước ngoặt?
Trong cuộc tấn công vào thủ đô Kiev vào ngày 10/10, một quả tên lửa đã rơi xuống phố Ladimir; điều đáng chú ý là trên phố này có văn phòng của Cơ quan An ninh Nhà nước Ukraine (SBU) và văn phòng Tổng thống Zelensky cũng ở gần đó. Vì vậy, đây là một tai nạn, hay là có chủ đích?
Còn theo phân tích của các chuyên gia quốc tế độc lập thì cho rằng, tên lửa Nga “hạ cánh” ở đó, hoàn toàn không phải là không có chủ đích, vì thủ đô của một quốc gia là trung tâm chính trị, nên chịu đòn có tác động rất lớn.
Các chuyên gia cũng cho rằng, một mặt đây là "đòn trả đũa" của Nga đối với Cơ quan An ninh Nhà nước Ukraine; mặt khác, rất có thể tình báo Nga không xác định được vị trí và tọa độ chính xác các tòa nhà trọng yếu của chính quyền Ukraine.
Tuy nhiên một số nhà phân tích tình hình Ukraine của phương Tây lại có một cái nhìn khác. Theo hãng tin Reuters, một biên tập viên quốc phòng người Anh tên là Shabagh cho rằng, quyết định tấn công các thành phố của Ukraine là mục tiêu chính trị chứ không phải chiến thuật; nhằm gây sức ép lên lãnh đạo Ukraine.
Mục tiêu của quân đội Nga hoặc là khiến giới lãnh đạo và dân thường Ukraine lay động, hy vọng buộc Kyiv phải đàm phán trong khi Nga vẫn chiếm 1/6 hoặc hơn lãnh thổ của Ukraine.
Tuy nhiên trên thực tế, các vụ tấn công hàng loạt bằng tên lửa của Nga, ít thành công về mặt quân sự; các cuộc phản công "nhanh và chính xác" của Nga nhằm vào Ukraine, mặc dù đã gây được sự chú ýtrong và ngoài nước; nhưng nếu bình tĩnh phân tích, thì "đòn trả đũa" của Nga có thể có tác dụng không đáng là bao.
Theo nguồn tin từ Reuters, một số chuyên gia sau khi phân tích vụ tấn công của Nga cho biết, do đòn tấn công có độ chính xác không cao, một số tên lửa nằm rải rác trên đường phố và vườn tược, gây sự lãng phí. Vũ khí sử dụng trong các cuộc tấn công của Nga vừa qua, chủ yếu là tên lửa hành trình.
Ngoài ra, phân tích chỉ ra rằng, ngay cả khi cơ sở hạ tầng như các nhà máy điện của Ukraine bị một số thiệt hại, nhưng việc sửa chữa cũng rất dễ dàng. Lý do cuộc tấn công của Nga thiếu chính xác và cường độ, thiếu tính liên tục và mức độ phá hủy thì hạn chế.
Điều đáng chú ý là sau vụ tấn công của Nga, Mỹ và các nước phương Tây đã hứa sẽ tăng viện trợ Ukraine vũ khí. Ngoài ra, các phi công Ukraine đang được Mỹ huấn luyện, và việc viện trợ máy bay chiến đấu của Mỹ cho Ukraine, chỉ cần có lý do chính trị và cuộc tấn công này của Nga, chắc chắn là cơ hội tốt cho Mỹ.
Mặc dù các vụ tấn công tên lửa đang diễn ra, đã mang lại nhân tố tích cực về tinh thần đối với Nga, nhưng nó mang lại rất ít thành công về mặt quân sự. Do đó, còn quá sớm để có thể nói đó là bước ngoặt trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Cũng liên quan đến vụ tấn công tên lửa vào Ukraine, một số phương tiện truyền thông phương Tây cho rằng, “một bước ngoặt” trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã xảy ra, hoặc ít nhất có thể đối mặt với khả năng leo thang.
Tuy nhiên những nhà phân tích độc lập thì cho rằng, vụ nổ cầu Crimea có tác động rất lớn, quan hệ giữa Nga và Ukraine sẽ trở nên căng thẳng hơn. Dù rằng Ukraine chưa từng lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc này.
Lý do của các nhà phân tích độc lập đưa ra đó là, bước ngoặt của cuộc xung đột phải là sự thay đổi về quy mô, hình thức, kết quả hoặc tình hình; vụ tấn công cầu Crimea và các cuộc trả đũa bằng tên lửa của Nga những ngày qua, điều này không được phản ánh trong xung đột Nga-Ukraine hiện nay.
Về nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân, các nhà phân tích tình hình cuộc chiến Ukraine đều nhất trí rằng, điều này khó có thể xảy ra; vì một cuộc chiến tranh hạt nhân, sẽ dẫn đến sự thay đổi bản chất của cuộc xung đột. Và sẽ cần một thời gian rất dài, với rất nhiều động thái leo thang nữa, trước khi các bên sử dụng tới vũ khí hạt nhân.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Putin, ông Dmitry Peskov cho biết, các hoạt động quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vẫn đang tiếp diễn; điều này cho thấy Nga sẽ không thay đổi bản chất của cuộc xung đột trong thời gian ngắn.
Xung đột Nga-Ukraine đã diễn ra hơn nửa năm, sức mạnh và lằn ranh đỏ của hai bên đã dần lộ rõ, mâu thuẫn ngày càng trở nên gay gắt. Hiện tại, Nga và Ukraine không còn nhượng bộ nhau để đàm phán và xung đột ngày càng trở nên nguy hiểm.