Nga tấn công “cảnh báo”; lính đánh thuê 50 quốc gia đã vào Ukraine
Lính đánh thuê 50 quốc gia ban đầu đã giúp quân đội Ukraine, Nga tấn công Kiev như một lời cảnh báo về việc xung đột có thể leo thang cả về mặt không gian lẫn cường độ trong thời gian tới.
Tiến Minh
Xem toàn bộ ảnh
Sau vụ nổ lớn trên cầu Crimea, lực lượng vũ trang Nga đã ngay lập tức phản ứng. Từ ngày 10/10, Nga đã tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine bằng vũ khí chính xác cao.
Phía Bộ quốc phòng Ukraine cho biết, 41 trong số 75 tên lửa do quân đội Nga phóng “đã bị đánh chặn”, và các tên lửa không bị đánh chặn đã bắn trúng các thành phố trên khắp Ukraine, bao gồm thủ đô Kiev và thành phố phía tây Lviv gần biên giới Ba Lan.
Ông Medvedev, nguyên là tổng thống và thủ tướng Nga; hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga đã có tuyên bố khẳng định các hành động của phía Nga sẽ không chỉ dừng lại ở đây.
Còn Tiến sĩ Sivkov thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Nga phân tích, cuộc tấn công mới nhất của Nga hoàn toàn mang tính “mẫu mực”, và Nga chỉ đang cảnh báo Ukraine rằng, trong thời gian tới, Kiev đừng bao giờ có tư tưởng tấn công leo thang vào lãnh thổ Nga. Moscow có đủ vũ khí để tấn công trả đũa.
Còn nhà khoa học chính trị Nga Suzdaltsev cho rằng, nếu không có lính đánh thuê từ 50 quốc gia phương Tây chiến đấu ở miền đông Ukraine, thì quân đội Ukraine đã bị "kết liễu" sớm nhất là vào tháng 6 năm nay. Và quân đội Nga có thể đã gặp “vấn đề khó khăn” tại Ukraine, lý do chính vì đội quân đánh thuê này.
Ông Suzdaltsev cũng cho biết, toàn bộ quân đội Ukraine hiện đang tiến về hướng Kherson, chúng ta (Nga) đang đối đầu với 50 nước phương Tây, nên việc huy động thêm quân số là điều dễ hiểu.
Chuyên gia quân sự Nga Bartosh chỉ ra rằng, việc phá hủy cầu Crimea là sáng kiến của Mỹ và Anh, không phải ý tưởng của Ukraine. Ông tin rằng, một “giai đoạn mới” của các hoạt động quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã bắt đầu.
Nếu quân đội Ukraine tiếp tục tấn công vào lãnh thổ Nga (bao gồm cả khu vực 4 tỉnh, mà Nga vừa tuyên bố sát nhập qua việc “trưng cầu dân ý”), thì phía Nga có thể sẽ tràn ngập Dnipropetrovsk, Sumy và thậm chí cả khu vực lãnh thổ Ukraine ở bờ đông sông Dnepr; ông Bartosh cho biết thêm.
Còn Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với báo chí rằng, khi Mỹ và châu Âu ngày càng tham gia sâu vào cuộc xung đột Ukraine, Nga sẽ phải thực hiện các biện pháp đối phó, bao gồm cả những biện pháp có tính chất “phi đối xứng”.
Ông Ryabkov nói thêm rằng, Moscow ghi nhận với sự tiếc nuối "việc tiếp tục hỗ trợ quân sự quy mô lớn cho Kiev, khi tham gia huấn luyện binh lính Ukraine trên lãnh thổ của của các quốc gia NATO. Cùng với đó là cung cấp thông tin tình báo, hình ảnh vệ tinh thời gian thực, mục tiêu pháo kích và lập kế hoạch tác chiến cho Quân đội Ukraine.
Như vậy có thể khẳng định, ngày càng có nhiều nước phương Tây đứng về phía Kiev để tham gia vào cuộc xung đột với Ukraine, biến Ukraine thành “tiền đồn” chống Nga. Và các nhà lãnh đạo các cấp của Mỹ và châu Âu, không chỉ kêu gọi Ukraine bằng lời nói, mà còn bằng cả hành động, với hàng tỷ USD vũ khí viện trợ mỗi tháng.
"Rõ ràng, việc xảy ra xung đột trực tiếp với Mỹ và NATO không có lợi cho Nga. Chúng tôi cảnh báo và hy vọng rằng, Washington cũng như các quốc gia phương Tây khác, nhận thức được nguy cơ leo thang căng thẳng"; ông Ryabkov kết luận.
Ông Ryabkov cũng khẳng định rằng, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine từ các quốc gia phương Tây có tư tưởng chống Nga, sẽ chỉ kéo dài xung đột và các chuyến hàng vũ khí sẽ là mục tiêu hợp pháp của các lực lượng vũ trang Nga.
Nhưng các chính trị gia và quan chức Mỹ và châu Âu thì cho rằng, các cuộc tấn công quân sự từ ngày 10/10 của Nga nhằm vào thủ đô Kiev và các thành phố khác của Ukraine, sẽ làm tăng sự ủng hộ của phương Tây đối với Kiev. Phản ứng của phương Tây đối với hành động của Nga đang được xem xét.
Ông Joseph Borrell, đại diện cấp cao của EU về các vấn đề đối ngoại cho biết: “EU đang cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ quân sự bổ sung”. Còn Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết, NATO sẽ tiếp tục hỗ trợ "các hoạt động quân sự chống lại Điện Kremlin" của Ukraine, miễn là cần thiết.
Trong khi Ukraine có sự tài trợ của Mỹ và NATO, thì lúc này Nga có Belarus là đồng minh. Tổng thống Belarus Lukashenko ngày 10/10 cho biết: "Nếu Ukraine dám động đến lãnh thổ Nga, thì luôn có Belarus bên cạnh". Tuyên bố của ông Lukashenko đã làm dấy lên lo ngại rằng, Belarus có thể đang chuẩn bị tham gia cuộc tấn công của quân đội Nga nhằm vào Ukraine.
Trước đó, ông Lukashenko đã cho phép quân đội Nga mở cuộc tấn công vào Ukraine từ lãnh thổ Belarus, nhưng từ chối gửi quân trực tiếp tham chiến. Tuy nhiên vào ngày 10/10, ông đã đồng ý triển khai một "lực lượng khu vực" hỗn hợp giữa quân đội Nga và quân đội Belarus; nhưng không cho biết lực lượng hỗn hợp sẽ được gửi đến đâu.
Còn ông Lorenz, người đứng đầu Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan cho biết, ông hoài nghi về việc Belarus tham gia trực tiếp vào cuộc chiến; nhưng ông tin rằng, "Ukraine sẽ phải dành một số nguồn lực để bảo vệ biên giới với Belarus", như vậy Kiev sẽ phải chia nhỏ lực lượng bổ sung ở phía đông và phía nam nước này.