Xem toàn bộ ảnh
SA-3 là định danh của NATO dành cho tổ hợp tên lửa phòng không đất đối không S-125 Neva/Pechora được thiết kế bởi Aleksei Mihailovich Isaev - Cục thiết kế Trung ương Almaz. S-125 hay đơn giản là SA-3 nổi tiếng với khả năng tấn công hiệu quả các mục tiêu bay thấp, phản ứng nhanh hơn so với tổ hợp SA-2 huyền thoại. Đặc biệt, nó còn có khả năng đối phó hiệu quả với chiến tranh điện tử. Ảnh: Bệ phóng 4 đạn tổ hợp tên lửa phòng không SA-3 của Việt Nam. |
Chính nhờ các ưu điểm trong tác chiến cũng như kết cấu đạn nhỏ gọn khiến tên lửa phòng không SA-3 được chọn lựa phát triển phiên bản hải quân, trang bị cho các tàu chiến của Hải quân Liên Xô. Trong khi SA-2 với thiết kế “khổng lồ” của mình không bao giờ được triển khai trên các nền tảng khác ngoài mặt đất. |
Trong ảnh là bệ phóng của phiên bản tên lửa phòng không SA-3 trên tàu khu trục Project 61 (NATO gọi là lớp Kashin). Ngoài ra, nó còn được thử nghiệm trang bị trên tàu khu trục Project 52K Koltin. |
Phiên bản hải quân của tên lửa SA-3 được định danh là M-1 Volna, NATO thì gọi là SA-N-1 - thế hệ tên lửa hải đối không đầu tiên của Liên Xô. M-1 Volna được phát triển từ năm 1956, thử nghiệm và trang bị trong năm 1962. Trong khi phiên bản SA-3 đất đối không đầu tiên trang bị từ năm 1963. Nghĩa là gần như M-1 Volna và S-125 Neva/Pechora phát triển gần như song song. Ảnh: Bệ phóng tổ hợp M-1 Volna trên tàu chiến. |
So với tổ hợp trên bệ, tên lửa SA-3 trên biển bao gồm ít thành phần hơn, và có cơ chế tự hành cao do hạn chế về không gian cũng như thủy thủ vận hành trên một tàu chiến. Nó có ba thành phần chính gồm: bệ phóng ZIF-101; đài điều khiển 4R90 Yatagan và đạn tên lửa V-600 (hoặc gọi là 4K90). Ảnh: Bệ phóng ZIF-101 và đạn V-600 thử nghiệm trên mặt đất. |
Bệ phóng ZIF-101 có hai cánh tay máy để treo hai quả đạn tên lửa đối không. |
Việc nạp đạn hoàn toàn tự động, ngay dưới chân bệ phóng là buồng chứa “băng đạn” tên lửa V-600. Có thể mường tượng, khi nạp đạn, hai cánh tay máy sẽ được dựng đứng ngay trên nắp tròn dưới chân bệ, sau đó cơ cấu nâng trong buồng đạn sẽ đẩy quả đạn lên lắp vào dưới cánh tay máy. Cơ số đạn tên lửa của tổ hợp Volna là 16 quả và có thể lên tới 32 quả tùy lớp tàu chiến. |
Còn đây là đài điều khiển hỏa lực và dẫn đường 4R90 Yatagan với 5 anten parabol để làm nhiệm vụ bám bắt, chiếu xạ dẫn đường cho tên lửa tấn công mục tiêu. Trên phiên bản Volna-P được bổ sung kênh theo dõi mục tiêu truyền hình đề phòng trường hợp radar bị gây nhiễu. |
Đạn tên lửa của M-1 Volna được định danh là V-600 (hay gọi là 4K90) có kiểu dáng giống hệt phiên bản đất đối không. |
Đạn tên lửa được dẫn hướng bằng vô tuyến – đài radar khi phát hiện mục tiêu thì sẽ chiếu sóng vào mục tiêu, đạn tên lửa sẽ thu sóng dội lại và hướng vào. |
Tên lửa V-600 có khả năng bắn hạ các mục tiêu máy bay, trực thăng, UAV ở độ cao từ 10m tới 10km, tầm bắn từ 4-15km. |
Phiên bản cải tiến Volna-M ra mắt năm 1967 được trang bị đạn tên lửa V-601 (4K91) đạt tầm bắn từ 4-22km, độ cao bắn hạ mục tiêu từ 10m tới 14km. |