Ngắm loài Mang “quý như vàng” mới phát hiện ở Khu bảo tồn Pù Hu
Khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Hu ở Quan Hóa (Thanh Hóa) đã thực hiện nhiệm vụ khoa học về bảo tồn loài Mang, mục tiêu là bảo tồn các loài động thực vật trong khu vực núi.
Thiên Trang (TH)
Xem toàn bộ ảnh
Trong quá trình điều tra, họ đã phát hiện hai loài Mang quý hiếmgặp là Mang hoẵng vó vàng (Muntiacus muntjak vaginalis) và Mang Lào (Muntiacus rooseveltorum).
Các cá thể của hai loài này được tìm thấy sống trong khu bảo tồn Pù Hu, xa khu vực dân cư và đường mòn.
Loài Mang hoẵng vó vàng có chiều dài thân từ 80 - 130cm, trong khi loài Mang Lào có chiều cao vai khoảng 40cm, đặc biệt bởi các đặc điểm về sừng và bộ lông. (Ảnh: TTXVN)
Hiện nay, Khu bảo tồn Pù Hu tiếp tục nghiên cứu về phân bố và đời sống của các loài Mang, đồng thời tăng cường tuyên truyền về bảo tồn loài Mang và lập kế hoạch quản lý tài nguyên rừng để bảo tồn nguồn gene động thực vật quý hiếm trong khu vực này.
Mang, còn gọi là hoẵng, kỉ, mển hay mễn, là một dạng hươu, nai thuộc chi Muntiacus. Mang có lẽ là loại hươu cổ nhất được biết đến, xuất hiện vào khoảng 15-35 triệu năm trước căn cứ trên di tích hóa thạch tìm thấy trong các trầm tích của thế Miocen tại Pháp và Đức.
Các loài ngày nay còn sống có nguồn gốc nguyên thủy ở vùng Đông Nam Á cũng như ở Ấn Độ. Bản địa mển bao gồm cả vùng Hoa Nam, Đài Loan, và các hải đảo thuộc Indonesia.
Là một loài động vật nhiệt đới, mển không có chu kỳ động dục theo mùa thời tiết nên khi chuyển sang các khu vực ôn đới có thể cho giao phối ở bất kỳ thời gian nào trong năm. Mang đực có các gạc ngắn có thể mọc lại nhưng có xu hướng cắn xé nhau bằng răng (có răng nanh dài chĩa xuống) để bảo vệ lãnh địa.
Mang là loài động vật được chú ý trong các nghiên cứu về sự tiến hóa do các biến thể lớn trong bộ nhiễm sắc thể của chúng cũng như các phát hiện về các loài mới trong thời gian gần đây.