Xét riêng về chỉ tiêu thu nhập lãi thuần là nguồn thu chính yếu của các ngân hàng thì đa số đều ghi nhận mức tăng trưởng khá trong 9 tháng 2019, chỉ riêng VietABank, NCB và PGBank là đi lùi so với thị trường chung.
BIDV là "ông lớn" đứng đầu về thu nhập lãi thuần với 26.398 tỷ đồng, tiếp đến là Vietcombank sát nút với 25.937 tỷ đồng. VPBank cũng có mức đột phá với 22.428 tỷ đồng. Tuy nhiên, về độ tăng trưởng, BIDV lại ở mức rất thấp, chỉ nhích nhẹ 3%, còn Vietcombank tăng tới gần 27% và VPBank 23%.
Về tốc độ tăng trưởng, SeABank đứng đầu với mức tăng gần 39% khi đạt 2.255 tỷ đồng. Đây rõ ràng là một sự lột xác của nhà băng này khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng được kiểm soát khá tốt khi chỉ tăng gần 5%. Tương ứng nợ xấu cũng giảm từ 1,5% hồi đầu năm xuống mức 1,3%.
Từ đó, lợi nhuận sau thuế mà SeABank đạt được là 536 tỷ đồng, tăng tương ứng hơn 33% so cùng kỳ.
Tất nhiên chưa tính đến khoản nợ tồn đọng chờ xử lý 435,5 tỷ đồng. Ngân hàng cho biết các khoản vay của Vinashin và Vinalines đang được phân loại nợ và trích lập dự phòng theo chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước.
Sacombank là á quân về tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi thuần tăng trưởng 34% với 7.405 tỷ đồng. Kéo lợi nhuận sau thuế sắp cán mốc 2.000 tỷ và tăng vọt 106%. Riêng trong quý 3, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.030 tỷ đồng, tăng tới 224% so với cùng kỳ.
Chi phí dự phòng của Sacombank trong 9 tháng cũng tăng khá mạnh với gần 43%, chiếm 1.683 tỷ đồng. Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của nhà băng này giảm từ 2,2% xuống 2%. Tiến trình xử lý nợ xấu tại Sacombank đang được đẩy nhanh hơn khi lãi từ hoạt động khác (bao gồm thu hồi xử lý nợ) tăng tới 176%, đạt 845 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu thu nhập lãi thuần và lợi nhuận 9 tháng của các ngân hàng. |
Ngược lại với top đầu về tăng trưởng thì VietABank lại ghi nhận mức giảm mạnh 12,5% thu nhập lãi thuần trong 9 tháng năm 2019, xuống mức 788 tỷ đồng. Các hoạt động khác của VietABank cũng sa sút như dịch vụ, mua bán chứng khoán kinh doanh và ngoại hối.
Tuy nhiên nhờ cắt giảm hơn 37,3% chi phí dự phòng, tương ứng giảm 133,7 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế của VietABank vẫn ghi nhận tăng trưởng gần 12% và đạt 152 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hiện VietABank không công bố đầy đủ báo cáo tài chính gồm cả phần thuyết minh nên không có thông tin về tình hình nợ xấu tại ngân hàng này.
Tương tự VietABank, Ngân hàng NCB cũng không công bố thuyết minh báo cáo tài chính nên không biết tình hình nợ xấu.
Còn về thu nhập lãi thuần, nhà băng này giảm gần 5%, về mức 705 tỷ đồng. Sau khi trừ các loại chi phí, NCB chỉ lãi vỏn vẹn 19 tỷ đồng, dù tăng gần 38% so cùng kỳ nhưng vẫn là một con số bé nhất trong tất cả các ngân hàng đã công bố.
Với PGBank, hầu hết các loạt mảng kinh doanh chủ chốt thua lỗ trong khi tín dụng chỉ tăng 2,6% khiến lợi nhuận hoạt động của ngân hàng 9 tháng tăng trưởng âm. Dù vậy, nhờ cắt giảm mạnh dự phòng rủi ro tới 74%, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng 9 tháng vẫn tăng mạnh khi đạt 131 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu của PGBank tại thời điểm 30/9 là 694 tỷ đồng, tăng 6,2% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng nhích tăng từ 2,96% lên 3,07%. Như vậy, so với năm ngoái, kết quả kinh doanh của PGBank 9 tháng đầu năm nay chưa được cải thiện.
Phương án sáp nhập PGBank với HDBank đã được Đại hội cổ đông hai ngân hàng thông qua đầu năm nay song chưa biết bao giờ việc sáp nhập mới được hiện thực hóa.