Ngân hàng Nhà nước bác tin MBB sáp nhập PGBank
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lên tiếng bác tin đồn liên quan đến thông tin Ngân hàng TMCP Xăng dầu (PGBank) sáp nhập với Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB).
|
Lại có tin đồn sáp nhập PGBank. |
Theo đó, trong những ngày cuối tuần vừa qua, thị trường "lại" nổi lên tin đồn ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) đang nghiên cứu việc sáp nhập PGBank. Nguồn tin cho rằng, MBB thành lập Ban chỉ đạo, Ban triển khai sáp nhập, thuê đơn vị xây dựng đề án và xác định tỷ lệ hoán đổi phù hợp, đảm bảo lợi ích của cổ đông hiện hữu của MBB.
Nói là "lại", bởi trước đó đã có không ít tin đồn liên quan tới thương vụ sáp nhập giữa PGBank và Vietinbank.
Cụ thể, hồi tháng 5/2015, lễ ký kết sáp nhập PGBank và Vietinbank đã diễn ra giữa Chủ tịch HĐQT VietinBank, ông Nguyễn Văn Thắng và Chủ tịch HĐQT Petrolimex, ông Bùi Ngọc Bảo trên nguyên tắc tự nguyện. Việc sáp nhập hứa hẹn làm cho ngân hàng lớn mạnh hơn, thị trường mở rộng, thương hiệu được củng cố, lại phù hợp với định hướng tái cơ cấu mạnh mẽ của NHNN.
Tuy nhiên, đã 3 năm kể từ ngày ký kết, việc sáp nhập vẫn không diễn ra trên thực tế. Nhiều ý kiến đồn đoán rằng thương vụ sáp nhập đã đỗ vỡ và nguyên nhân chủ yếu là do không thống nhất được tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu sáp nhập.
ĐHĐCĐ thường niên 2017, đại diện VietinBank cho biết việc sáp nhập với PGBank vẫn chưa hoàn thành do NHNN chưa phê duyệt chấp thuận nguyên tắc. NHNN yêu cầu VietinBank tiếp tục rà soát kết quả định giá cổ phiếu PGBank và đàm phán lại tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu.
Khi tin đồn về việc sáp nhập bất thành giữa Vietinbank và PGBank còn chưa ngã ngũ, thì tin đồn PGBank sáp nhập MBB lại làm thị trường hoang mang.
Trả lời PV Nhadautu.vn, Tđại diện truyền thông NHNN cho biết "đó chỉ là những thông tin bên lề, không chính xác. Bản thân NHNN chưa hề có bất cứ thông tin nào liên quan tới thương vụ sáp nhập trên".
Sáp nhập ngân hàng là một chuyện rất lớn trong giới tài chính ngân hàng và cơ quan đầu tiên sẽ nắm được thông tin trên là Ngân hàng Nhà nước. Bởi, NHNN là cơ quan chủ quản nhận các đề xuất, phương án sáp nhập của ngân hàng chủ thể trình lên nếu sáp nhập dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Hoặc NHNN sẽ buộc một ngân hàng nào đó sáp nhập nếu ngân hàng đó rơi vào tình trạng yếu kém, cần tái cơ cấu.
MBB gần đây nổi lên trong số các ngân hàng thương mại với nhiều hoạt động và kết quả kinh doanh nổi bật.
Cho đến ngày 30/9/2017, tổng tài sản của MBB đạt 291.942 tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2016. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 4.002 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước; ghi nhận tăng trưởng mạnh ở đa số các hoạt động chính; cổ phiếu ngân hàng ghi nhận nhiều đỉnh mới trong 6 năm niêm yết.
Hồi giữa tháng 3/2016, MBB đã sáp nhập Công ty Tài chính Sông đà với pháp nhân là Công ty Tài chính TNHH MTV MB (Mcredit).
Mới đây, cuối tháng 09/2017, NHNN đã chấp thuận việc chuyển đổi hình thức pháp lý của Công ty Tài chính TNHH MTV MB thành Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) có vốn điều lệ 500 tỷ đồng (do MBB góp vốn 50%, Shinsei Bank Limited 49% và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển Xuân Thành góp 1% vốn).