Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán USD ổn định tỷ giá: Tâm lý thị trường sẽ hạ nhiệt?

(Vietnamdaily) - NHNN thông báo sẽ bán USD trong trường hợp cần thiết, trong bối cảnh tỷ giá tăng mạnh những ngày gần đây.

Trong bối cảnh đồng USD nhảy vọt (8,1%) trong khi đồng CNY giảm mạnh (2,4%) trong 2 tuần qua, tâm lý trên trường ngoại hối của Việt Nam cũng xáo trộn, khiến tỷ giá USD/VNĐ (giao dịch giữa các ngân hàng) tăng mạnh lên 23.650 đồng tính đến chiều ngày 23/3 (VND trượt giá 1,9% tính từ ngày 09/3 và 2% tính từ đầu năm đến nay).

Do đó, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết sẵn sàng bán USD – thậm chí với quy mô lớn – ra thị trường nếu cần thiết.

Ông cho biết, từ đầu năm 2020 cho đến trước Tết nguyên đán, trong điều kiện nguồn cung ngoại tệ dồi dào và thị trường quốc tế thuận lợi, tỷ giá thị trường khá ổn định, NHNN tiếp tục mua được lượng lớn ngoại tệ tăng Dự trữ ngoại hối.

Sau Tết Nguyên đán, mặc dù thị trường ngoại tệ chịu áp lực nhất định từ các diễn biến liên quan đến dịch Covid-19 nhưng tỷ giá biến động không quá lớn, một số ngày tỷ giá giảm về sát tỷ giá mua của NHNN và TCTD tiếp tục bán ngoại tệ cho NHNN.

Tuy nhiên, từ đầu tuần trước, tỷ giá có xu hướng tăng khi biến động trên thị trường tài chính thế giới ngày càng mạnh. Mặc dù vậy, thanh khoản thị trường về cơ bản vẫn thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. 

Theo ông, nguyên nhân của việc tỷ giá tăng trong thời gian qua là do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các đồng tiền trên thế giới biến động, đồng tiền của nhiều nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng mất giá.

Mặc dù Ngân hàng trung ương các nước đã liên tục có các động thái chính sách để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường nhưng các chính sách này cần có độ trễ trước khi tác động hiệu quả tới thị trường.

Cùng với xu hướng đó, tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đô la Mỹ cũng tăng trong thời gian qua khi biến động trên thị trường quốc tế và diễn biến của dịch Covid-19 tác động tới tâm lý thị trường trong nước.

Tuy nhiên, qua theo dõi, cân đối cung cầu ngoại tệ đến nay về cơ bản không có biến động lớn. Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư 1,82 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2020 và tiếp tục thặng dư 880 triệu USD trong tháng 3/2020. Trạng thái ngoại tệ vẫn tiếp tục duy trì ở mức dương. Các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng đều được TCTD đáp ứng đầy đủ.

Ngan hang Nha nuoc san sang ban USD on dinh ty gia: Tam ly thi truong se ha nhiet?
 

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và các Bộ, ngành đã và đang quyết liệt triển khai các biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nền kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, dự phòng các kịch bản có thể xảy ra, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp, tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ.

Trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, NHNN đã liên tục mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước, góp phần củng cố an ninh tài chính tiền tệ quốc gia và tăng khả năng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết.

Với tiềm lực ngoại tệ sẵn có như vậy, NHNN sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết tại mức tỷ giá bán can thiệp thấp hơn tỷ giá niêm yết hiện nay với quy mô lớn, dưới hình thức giao ngay và kỳ hạn (nếu cần) để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), điều này cho thấy tỷ giá USD/VNĐ tăng mạnh do các ngân hàng găm giữ USD do kỳ vọng tỷ giá sẽ tiếp tục tăng, chứ không phải do nhu cầu gia tăng hay thiếu hụt nguồn cung USD trên thị trường ngoại hối. 
VCSC kỳ vọng công bố từ NHNN sẽ giúp tâm lý thị trường hạ nhiệt. Một mặt, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trên thị trường chứng khoán trong 30 phiên giao dịch liên tiếp (tính từ ngày 11/2), với tổng giá trị bán ròng đạt 9,7 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Mặt khác, thặng dư thương mại được ghi nhận ở mức 2,76 tỷ USD tính đến ngày 15/3 (so với mức 400 triệu USD trong cùng kỳ năm ngoái) trong khi giải ngân FDI đạt 2,5 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2020 (giảm 5% so với cùng kỳ).
Ngoài ra, NHNN đã mua khoảng 4,5 tỷ USD, tăng dự trữ ngoại hối lên khoảng 83 tỷ USD, tương ứng với 31% GDP và 3,6 tháng nhập khẩu (so với mức thấp hơn 15% GDP và chỉ 1,8 tháng nhập khẩu trong năm 2015). Dự trữ ngoại hối tăng mạnh trong thời gian qua sẽ giúp NHNN gia tăng khả năng bình ổn thị trường ngoại tệ, nếu cần thiết. 
VCSC không kỳ vọng mức biến động tỷ giá sẽ tương tự giai đoạn trước 2016 (2008-2011: đồng VNĐ trượt giá trong khoảng 5%-9% mỗi năm, 2016: đồng VNĐ giảm 4,6%) nhờ cơ chế điều hành tỷ giá mới áp dụng từ đầu 2016 (công bố tỷ giá trung tâm tham chiếu hằng ngày), nhiều chính sách hạn chế đầu cơ ngoại tệ đã ban hành từ cuối năm 2015 và dự trữ ngoại hối tăng đáng kể trong thời gian gần đây. 

Vì sao tỷ giá USD/VNĐ biến động mạnh?

Cung - cầu ngoại tệ trong nước vẫn ổn định nhưng cơ quan quản lý cũng cần cẩn trọng ứng phó.

Theo các chuyên gia kinh tế, giá USD trên thị trường tăng mạnh chủ yếu do ảnh hưởng từ sự lên giá của đồng USD quốc tế, yếu tố tâm lý và tác động từ dịch Covid-19.

Giá USD trên thế giới tăng cao

Đóng cửa tuần giao dịch, giá USD ở các ngân hàng (NH) thương mại được giao dịch quanh mức 23.370 đồng/USD mua vào, 23.530 đồng/USD bán ra. Chỉ trong khoảng 1 tuần, giá USD ở NH thương mại đã tăng 240 đồng/USD, tương đương 1,03%. Tính từ đầu năm đến nay, giá USD trong NH tăng hơn 1,29%. Trên thị trường tự do, giá USD đã chạm mốc 23.730 đồng/USD mua vào, 23.850 đồng/USD bán ra. Tỉ giá trung tâm cũng được NH Nhà nước điều chỉnh tăng khoảng 0,44% so với hồi đầu năm. Đây là đợt biến động mạnh nhất của tỉ giá USD/VNĐ từ đầu năm đến nay so với sự ổn định của tỉ giá trong năm ngoái.

Theo đại diện nhiều NH thương mại và chuyên gia kinh tế, sự biến động của tỉ giá những ngày qua ở thị trường trong nước, chủ yếu do ảnh hưởng từ đà tăng cao của giá USD quốc tế. TS Bùi Quang Tín (Trường ĐH Ngân hàng TP HCM), chỉ ra rằng chỉ số đồng USD trên thị trường quốc tế trong vòng 2 tuần qua từ mức hơn 95 điểm đã vọt lên gần 102 điểm trước khi đóng cửa vào cuối tuần rồi, tương đương mức tăng trên 7%. Tính ra, VNĐ so với USD chỉ tăng khoảng 1,3% và thấp hơn nhiều mức tăng của USD so với các loại ngoại tệ mạnh khác. Lãnh đạo phụ trách ngoại hối một NH cổ phần tại TP HCM cho biết cung cầu ngoại tệ ở NH của ông và nhiều NH khác những ngày qua khá ổn định, không có đột biến. Tỉ giá tăng chủ yếu do ảnh hưởng từ tâm lý thị trường và sự lên giá của đồng USD quốc tế.

Vi sao ty gia USD/VND bien dong manh?

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan vừa công bố, trong tháng 2-2020, cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư 2,28 tỉ USD và tính chung 2 tháng đầu năm thặng dư 1,82 tỉ USD. TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng - NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho biết tính đến giữa tháng 3-2020, cán cân thương mại cả nước vẫn thặng dư; dù giải ngân vốn FDI giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng cơ bản quan hệ cung cầu ngoại tệ vẫn ổn. Vì vậy, giá USD tăng do yếu tố tâm lý bởi trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà đầu tư thường tìm đến các tài sản an toàn hơn. Nhìn trên thị trường tài chính quốc tế sẽ thấy rõ điều này. Dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa lãi suất cơ bản giảm về 0%-0,25% và cam kết chi cả ngàn tỉ USD để hỗ trợ nền kinh tế, nhiều nước cũng cam kết bơm gói kích cầu... nhưng thị trường các loại hàng hóa như chứng khoán, vàng, dầu mỏ đều rớt giá mạnh. "Trong bối cảnh nỗi lo về dịch bệnh lớn dần thì nhà đầu tư không xem trái phiếu chính phủ Mỹ, đồng yen Nhật, vàng... là kênh trú ẩn mà đồng USD mới là kênh an toàn. Họ cũng chưa kỳ vọng vào những gói kích cầu nền kinh tế. Điều này góp phần làm đồng USD tăng giá mạnh mẽ" - TS Bùi Quang Tín nhận xét.

Theo dõi chặt để ứng phó

Các chuyên gia kinh tế dự báo tỉ giá chỉ tăng trong ngắn hạn. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát hoặc có vắc-xin phòng dịch Covid-19 thì niềm tin của người dân, nhà đầu tư ở các quốc gia sẽ trở lại; thị trường chứng khoán, vàng, dầu có thể hồi phục và đồng USD không còn là kênh trú ẩn được ưu tiên hàng đầu. Tại Việt Nam, yêu cầu đặt ra từ đầu năm là tỉ giá biến động trong khoảng 1%-2% cho cả năm, mức tăng của tỉ giá USD/VNĐ những ngày qua vẫn trong tầm kiểm soát của NH Nhà nước. Ở thị trường trong nước, dù tỉ giá biến động nhưng chưa có tình trạng người dân chuyển sang mua vàng hay USD dự trữ như giai đoạn năm 2006-2012, cho thấy niềm tin vào VNĐ và việc kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ là rất tốt. Chưa kể, các chính sách kiểm soát thị trường ngoại hối đã phát huy tác dụng thời gian qua, khiến nhà đầu tư không có nhiều cơ hội đầu cơ USD, vàng... "Tỉ giá năm nay sẽ khá phức tạp. Cung cầu ngoại tệ trong nước hiện tại vẫn ổn nhưng NH Nhà nước cần cẩn trọng hơn và mức tăng tỉ giá cả năm trong biên độ từ 1%-2% là chấp nhận được" - TS Cấn Văn Lực nói.

Trao đổi với Báo Người Lao Động chiều 22-3, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết đến thời điểm hiện tại, cung cầu ngoại tệ tại các NH thương mại trên địa bàn vẫn bình thường. Các NH cam kết đủ ngoại tệ cho nền kinh tế và nhu cầu chính đáng của người dân, thanh khoản ngoại tệ ở các NH không có sự đột biến. "Giá USD tăng những ngày qua có thể do thị trường lo ngại việc các nước đóng cửa biên giới để phòng tránh dịch bệnh, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khó khăn hơn khiến nguồn thu ngoại tệ giảm. NH Nhà nước Chi nhánh TP sẽ tiếp tục theo dõi chặt diễn biến thị trường để có giải pháp kiến nghị, ứng phó phù hợp" - ông Minh nói.

Trước đó, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NH Nhà nước, cũng khẳng định với kinh nghiệm điều hành trong điều kiện thị trường biến động trong những năm qua, NH Nhà nước điều hành ổn định lãi suất và tỉ giá, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết nhằm bảo đảm thị trường tiền tệ, ngoại tệ hoạt động thông suốt. 

Lo ngại tình trạng gom USD để nhập vàng nguyên liệu

Trước diễn biến giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh những ngày qua, nhiều ý kiến lo ngại có tình trạng gom USD nhập vàng nguyên liệu qua đường biên mậu, nhất là trong bối cảnh giá vàng thế giới đang thấp hơn vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại trên 2 triệu đồng/lượng. Theo một số chuyên gia phân tích, tình trạng này có thể xảy ra nhưng không nhiều bởi trong tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp như hiện nay, việc xuất nhập cảnh ở biên giới bị kiểm soát chặt chẽ.

Ảnh hưởng bởi dịch Covid19: Chứng khoán giảm, vàng tăng nên tài sản trú ẩn là tiền mặt?

Thị trường thế giới tiếp tục trải qua tuần u ám khi giá dầu thế giới liên tục giảm sâu, mất khoảng 60% giá trị. Cùng với đó, chứng khoán Việt tiếp tục chứng kiến tuần hoảng loạn và “đen tối” khi bốc hơi giá trị vốn hoá hàng ngàn tỷ đồng.

Với diễn biến giá đồng bạc xanh (USD) đột nhiên tăng mạnh, tâm lý người dân bắt đầu lo lắng và tự hỏi trong bối cảnh này: “kênh” trú ẩn nào sẽ bảo toàn đồng vốn?

Dầu, vàng, chứng khoán giảm, USD vọt tăng