Sau đây là các mức đền bù mà người gửi tiền có thể được nhận nếu ngân hàng phá sản.
Theo quy định có hiệu lực áp dụng từ ngày 5/8/2017, mức trả tiền bảo hiểm đối với tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng bị phá sản bao gồm cả gốc và lãi cho vay của một cá nhân tối đa là 75 triệu đồng.
Tuy nhiên, người gửi tiền bên cạnh việc nhận khoản đền bù của bảo hiểm tiền gửi, thì sẽ được nhận tiền từ hoạt động thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng phá sản.
Theo quy định, khi ngân hàng phá sản, các tài sản còn lại của ngân hàng đó sẽ được ưu tiên chi trả cho chủ nợ là các khoản vay đặc biệt đầu tiên, tiếp đến là những người gửi tiền, thứ ba là các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng, đối tượng tiếp theo được xét duyệt chi trả là người sở hữu trái phiếu ngân hàng, thứ năm là các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ và thứ 6 là trả cho cổ đông của ngân hàng phá sản.
Bên cạnh đó, sau khi Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 15/1/2017, Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo thông tư quy định cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Tổ chức tín dụng chỉ được phép sử dụng khoản vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản vào mục đích chi trả tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân.
Theo dự thảo thông tư, kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt, dư nợ gốc, lãi của khoản cho vay tái cấp vốn chuyển thành dư nợ cho vay đặc biệt với lãi suất bằng lãi suất của khoản tái cấp vốn, thời hạn bằng thời hạn còn lại của khoản tái cấp vốn; việc xử lý khoản cho vay đặc biệt này thực hiện theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại tổ chức tín dụng hoặc theo phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được phê duyệt.
Khoản vay đặc biệt không được dùng chi trả cho người có liên quan của tổ chức tín dụng; người điều hành, cổ đông sáng lập; người có liên quan của người quản lý, người điều hành, cổ đông lớn, cổ đông sáng lập.