Ngày 13-15/10, mưa lớn kéo dài trên diện rộng ở các tỉnh từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
25 người chết, 4 người mất tích, 18 người bị thương, 13 vạn ngôi nhà bị sập, tốc mái, hư hỏng nặng. Nhiều gia súc, tài sản và hàng trăm nghìn hecta hoa màu, cây công nghiệp của người dân bị lũ cuốn trôi.
Vào thời điểm này, những món quà từ thiện trở nên rất cần thiết đối với bà con vùng lũ. Không chỉ các đoàn thể, nhiều hội, nhóm, cá nhân đã ngay lập tức lên đường cùng những vật phẩm cần thiết như tiền mặt, quần áo, nước sạch, thức ăn... cứu trợ cho "khúc ruột miền Trung".
Tuy nhiên, bên cạnh các đồ dùng hữu dụng, nhiều nhóm từ thiện lại nhận được giày cao gót, váy áo gợi cảm...
Lời chia sẻ đầy "bất lực" của tình nguyện viên khi mở thùng đồ quyên góp toàn giày cao gót, váy gợi cảm. Việc quyên góp giày cao gót, váy gợi cảm cho người dân vùng lũ khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu. Ảnh chụp màn hình. |
Quyên góp váy áo gợi cảm
Tối 20/10, tài khoản H.N. - đại diện một đoàn cứu trợ cho bà con miền Trung - đăng tải hình ảnh những chiếc áo hai dây cùng vài đôi giày cao gót được gửi đến ủng hộ.
Bày tỏ sự khó hiểu của mình trước những món đồ, cô hài hước viết: "Mình từ thiện cho bà con bị bão lũ ở Quảng Bình, các bạn cho mấy đồ này thì ai mặc được đây? Mặc đi dạ hội ngày nước lũ chăng?".
H.N. chia sẻ cô nhận được một thùng lớn như vậy và cảm thấy khó xử vì quần áo không phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
"Thấy hơi kỳ cục, không hiểu mọi người nghĩ sao. Mình cho rằng tấm lòng của ai cũng đáng được trân trọng, nhưng mọi người xin hãy ủng hộ những món thiết thực, dù là quần áo cũ, đồ đã qua sử dụng", cô nói.
Cô cho rằng thay vì gửi tới các món đồ "vô duyên" này, chủ nhân có thể thanh lý và lấy số tiền đó làm từ thiện hoặc mua gạo, thức ăn.
Cuối cùng H.N. quyết định đem chúng ra bán với giá 20.000-30.000 đồng/món. Số tiền thu được sẽ dùng để ủng hộ cho người dân các tỉnh miền Trung. Hiện nay, những đồ này vẫn chưa thể bán hết vì số lượng khá nhiều.
Đây không phải lần đầu tiên cô gặp tình huống như vậy. Trước đó, ở Đà Nẵng, cô từng nhận được nhiều món không phù hợp tương tự.
“Đơn giản là mình nên nghĩ đến người nhận một chút. Không phải cho gì người ta cũng nhận”, H.N. bày tỏ.
Từ thiện cũng cần có văn hoá
Câu chuyện về thùng đồ từ thiện "đặc biệt" sau khi được chia sẻ nhanh chóng nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ dân mạng.
Quang Vinh Thành cho rằng đây là hành động thiếu thành ý, thể hiện sự vô tâm, hời hợt của người tặng, gây khó xử cho các tình nguyện viên.
"Chẳng lẽ họ không soạn đồ trước khi mang đi từ thiện? Nếu nhầm lẫn có thể vài món, nhưng cả thùng to thì không chấp nhận được. Thanh lý đồ giá rẻ cũng phát sinh nhiều chi phí khác rất tốn công sức, thời gian", thành viên này cho hay.
Anh nói thêm những người dân ở vùng lũ đã đủ mệt mỏi vì thiên tai. Cách làm từ thiện cần sự khéo léo, sao cho người nhận không mang cảm giác bị thương hại, tủi thân khi cầm đồ quyên góp.
Trần Minh Hòa nhận định dù sao đó cũng là tấm lòng muốn sẻ chia, mọi người nên trân trọng. Thay vì lên án, hãy chung tay mua giúp các món đồ để đội tình nguyện nhanh chóng lên đường.
"Trước khi đặt quần áo vào thùng từ thiện, hãy tự hỏi: Người ta mặc cái này có được không? Mặc vào lúc nào? Có đủ ấm không? Đủ bền không?
Những câu này có thể sẽ khiến giảm số lượng đồ quyên góp, nhưng giúp đỡ tình nguyện viên rất nhiều, lại thể hiện sự trân trọng và tấm lòng dành cho người mình sắp tặng quần áo", Minh Hòa giải thích.
Nguyễn Quỳnh Thư - thành viên nhóm Từ Thiện Xanh - cho biết nhiều người nghĩ quần áo quyên góp là đồ mình thải ra, không mặc nữa.
"Điều này không đúng. Bạn có thể không mặc chiếc quần cũ, nhưng không thể vứt đại nó vào thùng từ thiện. Hay nhiều trường hợp chúng mình nhận được áo thủng lỗ chỗ, quần cũ bạc phếch, áo khoác kỳ dị hết mốt", cô nói.
Chiếc áo này sẽ được mặc vào lúc nào khi bạn ở giữa vùng lũ? Ảnh: NVCC. |
Quỳnh Thư nhấn mạnh người dân vùng lũ cần những món đồ nhanh khô, vải bền, chất liệu dày dặn, mặc ấm và nhất thiết phải lành lặn. Ngoài ra, ủng đi mưa, mũ, khăn cũng quan trọng không kém.
Thành viên nhóm từ thiện giải thích không ai muốn nhận đồ bố thí, nên sau khi phân loại các món đồ dùng được, tình nguyện viên sẽ giặt sạch sẽ, là phẳng phiu, gấp cẩn thận. Một số thứ như áo khoác, giày còn được đóng túi riêng.
"Đó là tấm lòng của những người làm từ thiện. Đừng cho rằng mình đang làm ơn với ai, cũng không phải việc gì to tát, đó chỉ là tấm lòng sẻ chia.
Hãy đặt trái tim và sự chú tâm vào từng hành động nhỏ để chung tay giúp đỡ những người không may mắn. Một tấm áo ấm lành lặn giá trị hơn chiếc áo sành điệu vào lúc này", Thư tâm sự.
>>> Mời quý độc giả xem video Xe ngược dòng lũ (nguồn Youtube):