Cùng với đó, từ những kết quả đạt được trong 10 tháng qua, các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao sự phát triển và triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm (có thặng dư cao); nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép.
Nổi bật, trong tháng 10, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt kết quả 51,2 điểm, tăng so với 47,3 điểm của tháng 9 và đã vượt lại lên trên ngưỡng 50 điểm sau khi chịu tình trạng gián đoạn do cơn bão Yagi gây ra trong tháng trước… Đây được xem là một trong những yếu tố nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024, những tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã đề xuất Chính phủ tập trung vào 6 giải pháp trọng tâm; trong đó, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là tiếp tục hoàn thiện về thể chế và coi đây là giải pháp đột phá của đột phá. “Thể chế đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn, nhưng tháo gỡ được thì sẽ trở thành đột phá của đột phá”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Cùng với đó, các giải pháp tiếp theo đó là: Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án về đất đai; thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản; thúc đẩy các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trong đó xác định đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, thu hút vốn FDI có chọn lọc (chú trọng các dự án lớn, dự án công nghệ cao, thu hút các nhà đầu tư chiến lược); đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, những ngành công nghiệp mới…