Theo Nghị định 100/2019 quy định xử phạt với cả tài xế xe đạp, xe máy trong hơi thở có nồng độ cồn bất kể mức nào. Tuy nhiên, theo Khoản 8, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 về các hành vi bị nghiêm cấm khi điều khiển phương tiện như sau: “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”.
Dư luận đặt câu hỏi, quy định của Nghị định 100 như trên liệu có đang “vênh” với quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008. Hiểu sao cho đúng?
Ảnh minh họa. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo quy định tại khoản 8, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì Nghị định số 100/2019/NĐ- của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt xử phạt hành vi Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở theo điểm c khoản 6 điều 5; điểm c khoản 6 Điều 6; điểm c khoản 6 Điều 7; điểm q khoản 1 Điều 8 đối với xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, xe máy kéo, xe máy chuyên dùng, xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ là không phù hợp với luật.
Tuy nhiên đó chỉ là trong trường hợp Luật phòng chống tác hại của rượu, bia chưa có hiệu lực.
Thực tế hiện này, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia đã được thông qua và có hiệu lực thi hành cùng thời điểm với Nghị định 100/2019/NĐ-CP là ngày 01/01/2020.
Tại Điều 35 Luật phòng chống tác hại của rượu, bia đã sửa đổi bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau: hành vi bị nghiêm cấm: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Như vậy, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã điều chỉnh Luật Giao thông đường bộ 2008, với quy định nghiêm cấm khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu bia, bất kể nồng độ cồn bao nhiêu.
Căn cứ Điều này thì quy định xử phạt của Nghị định 100/2019/NĐ-CP là phù hợp. Nghị định 100/2019/NĐ-CP ra đời đã đưa ra mức xử phạt với tài xế sử dụng rượu bia, dù sử dụng nhiều hay ít với tất cả phương tiện. Còn nồng độ cồn chỉ sử dụng để áp các mức xử phạt khác nhau, thấp hoặc cao.
Mặc dù Nghị định này không ghi rõ hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống tác hại của rượu, bia tuy nhiên Nghị định này quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt mà Luật phòng chống tác hại của rượu, bia lại có tác động đến Luật giao thông đường bộ.
Như vậy việc xử phạt người điều khiển xe đạp, mô tô, xe gắn máy,.. trong hơi thở có nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP là phù hợp quy định pháp luật.
>>> Mời độc giả xem video CSGT "ra quân", thu phạt gần 1 tỷ đồng nồng độ cồn:
Nguồn VTC Now.