Nghìn năm có một: Bắt được "con bướm ma quái” bay xuyên qua vũ trụ
Cấu trúc bí ẩn trông như một cánh bướm bay nghiêng xuyên qua vũ trụ đã được một đài thiên văn đặt tại Chile may mắn "bắt được".
Thùy Dung (T.H)
Xem toàn bộ ảnh
Đài quan sát Quốc tế Gemini của NSF NOIRLab, đặt tại Chile đã bắt được khoảnh khắc nghìn năm có một - cấu trúc bí ẩn trông như một cánh bướm bay nghiêng xuyên qua vũ trụ.
Cấu trúc này có chiếc đầu sáng rực rỡ và cánh mỏng như sương. Được biết đó là sự ra đời tuyệt đẹp và khốc liệt của một ngôi sao, đặt tên là "Tinh vân hồng ngoại Chamaeleon".
Các ngôi sao vốn là vật thể cường độ cao, và sự ra đời của chúng cũng vậy. Chúng hình thành từ các điểm đông đặc giữa các đám mây phân tử, khi khí và bụi sụp đổ, quay tròn dưới lực hấp dẫn của chính các ngôi sao mới sinh.
Điều này sẽ tạo thành một "xoáy nước" dữ dội, khiến vật chất xung quanh được hút vào đĩa bồi tụ của tiền sao, giúp ngôi sao có đủ vật liệu để lớn dần.
Sau khi tiền sao lớn lên, nó bắt đầu tạo ra gió sao mạnh và vật chất rơi vào tiền sao bắt đầu tương tác với từ trường của chính nó, thổi vào không gian những tia plasma cực mạnh, chính là cơ chế tạo ra cấu trúc cánh bướm giữa vũ trụ.
Trong tinh vân hình cánh bướm Chamaeleon, ngôi sao nằm lẩn khuất ở chính dải đen hẹp giữa "con bướm" và hình ảnh mờ nhạt hơn phía đối diện, trông như hình ảnh phản chiếu của con bướm trong gương.
Chamaeleon được gọi là tinh vân hồng ngoại bởi con bướm ma quái này vốn phát sáng trong hình ảnh hồng ngoại chứ không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Tinh vân hiểu đơn giản là các đám mây khí và bụi trong không gian. Do trước đây với các kính thiên văn quang học còn kém, các nhà thiên văn đã xác định và đặt tên cho một số tinh vân mà thực chất chúng không phải các đám khí bụi mà là cả một thiên hà.
Theo khái niệm mới, tinh vân có thể là những đám bụi tập hợp lại với nhau do hấp dẫn (khối lượng chưa đủ để tạo thành một ngôi sao hay một thiên thể lớn), cũng có thể là vật chất được phóng ra do sự kết thúc của một ngôi sao (các nova và supernova).
Loại tinh vân phổ biến nhất là tinh vân khuếch tán, bao gồm những đám khí bụi không có ranh giới rõ ràng, chúng thường được chia làm hai loại là tinh vân phát xạ (emission nebula) và tinh vân phản xạ (reflection nebula).
Tinh vân hành tinh hay đám mây hành tinh là một loại tinh vân phát quang chứa lớp vỏ khí ion hóa phát sáng sinh ra từ những sao khổng lồ đỏ trong giai đoạn cuối của chúng.
Đây là một hiện tượng tương đối ngắn ngủi, chỉ diễn ra vài chục ngàn năm, so với tuổi đời thông thường hàng tỉ năm của một ngôi sao.