Bác sĩ Lưu Công Chính, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, Hà Nội, cho biết một bé trai 6 tuổi ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) được chuyển đến bệnh viện chiều ngày 21-11-2018 trong tình trạng tím tái, khó thở, vật vã kích thích. Trên cổ của bé có vết hằn đỏ và vẫn còn nguyên một dây nhựa thắt chặt vào cổ gây suy hô hấp cấp.
Dây nhựa gây vết hằn trên cổ của bé và gây suy hô hấp cấp |
Theo lời kể của cô giáo đưa bé đi cấp cứu, trên đường đến trường, học sinh này có nhặt được một dây nhựa có lẫy để kéo thít chặt lại và mang đến lớp. Sau đó, trẻ nghịch ngợm cho vòng dây vào cổ và bị vòng nhựa thắt chặt cổ. Quá hoảng loạn, trẻ càng cố kéo dây ra thì vòng dây càng thắt chặt hơn gây nên tình trạng khó thở, tím tái và phải nhập viện sau đó.
Khi đến Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí cắt đứt chiếc dây nhựa, giải phóng đường thở và cho trẻ thở oxy. Bệnh nhân dần ổn định và ra viện ngay chiều cùng ngày.
Bác sĩ Chính cho biết đặc điểm của vòng dây nhựa này là càng kéo càng thắt chặt, không thể nới lỏng và rất khó cắt dây. Với tình huống trẻ bị dây nhựa thít vào cổ thì người xung quanh cần bình tĩnh, tránh hốt hoảng và bằng mọi cách nhanh chóng cắt đứt dây.
Đáng chú ý là loại dây thít nhựa này có một cái lẫy nhỏ nhưng trong tình huống khẩn cấp không nên loay hoay tìm lẫy để tháo ra mà nên dùng kéo cắt. Cách tốt nhất là cắt dây ở phía sau gáy nạn nhân vì đó là phần có "nền cứng" là cột sống cổ. Không nên cắt ở vùng trước cổ do vùng này có nhiều mạch máu thần kinh dễ gây hẹp khí quản, nạn nhân khó thở hơn.