Những căn nhà phủ rêu phong của đồng bào người Dao nằm ở độ cao trên 1.000m, với không khí mát mẻ, trong lành đặc trưng của vùng núi Hà Giang thu hút nhiều khách du lịch ghé thăm, trải nghiệm.
Theo Thành Đông/Dân trí
Xem toàn bộ ảnh
Thôn Xà Phìn (xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 20km), nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, trên cung đường chinh phục dãy Tây Côn Lĩnh. Với đường lên đèo dốc chênh vênh khoảng 10km, nơi đây phù hợp với những du khách đam mê loại hình du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm.
Hiện nay, thôn có 54 hộ dân sinh sống, 270 nhân khẩu và 100% là đồng bào dân tộc Dao Chàm, với trên 40 nóc "nhà rêu". Thời gian trước đây, khi chưa xây dựng đường bê tông, bà con trong thôn đi lại khó khăn vất vả nên sinh hoạt giao lưu văn hóa truyền thống, buôn bán còn nhiều hạn chế, đa phần là sản xuất, tự tiêu thụ.
Bản Xà Phìn thu hút bởi những nếp nhà cổ được lợp bằng lá cọ phủ đầy rêu phong bên cạnh những thửa ruộng bậc thang. Thời tiết mát mẻ quanh năm, độ ẩm cao, thường xuyên bao phủ bởi sương, khiến cho cảnh vật nơi đây vô cùng nên thơ.
Nhờ vào thời tiết đặc thù nơi đây, trên những mái nhà lợp cọ, nấm mốc hình thành những cụm rêu, kết ra thảm, mảng bám lớn xanh mướt.
Những mái nhà phủ rêu dày đặc như những tấm cách nhiệt, mùa hè giúp ngôi nhà mát mẻ, mùa đông trở nên ấm áp. Có mái nhà rêu phủ có tuổi đời lên đến 30 năm.
Du khách có thể tới Xà Phìn ngắm cảnh đẹp vào hai dịp trong năm, mùa lúa dát vàng khắp các thửa ruộng màu mỡ và khi những thửa ruộng vào mùa nước đổ. Anh Tương Văn Thành (chủ homestay tại thôn Xà Phìn) cho biết, với những nét đẹp của thiên nhiên sẵn có, cùng với nét riêng của văn hóa bản địa, du khách dù đi một điểm nhưng có được nhiều trải nghiệm khác biệt.
Ngôi nhà của gia đình phụ nữ người Dao trong ảnh được xây dựng từ năm 2015, sau gần 10 năm, mái nhà đã được phủ kín rêu phong.
Bà con ở thôn Xà Phìn sinh sống chủ yếu dựa vào những sản phẩm tự nuôi, trồng.
Nơi đây đến giờ vẫn chưa có điện sinh hoạt, đời sống của đồng bào người Dao còn gặp nhiều khó khăn. Các hộ gia đình phải lắp tua bin nước, dẫn nước suối từ trên núi về để có điện, nhưng cũng chỉ đủ thắp sáng vài bóng đèn nhỏ trong nhà.
Theo chia sẻ của người dân trong thôn, cột điện và dây điện đã được kéo về đến thôn 2 năm qua, nhưng vẫn chưa có điện, bà con rất mong chờ đến ngày có điện sinh hoạt, cuộc sống được nâng cao.
Ngoài chiêm ngưỡng những căn nhà sàn vẫn nguyên vẹn nét hoang sơ, cổ kính, du khách còn được cùng bà con trải nghiệm hái chè shan tuyết nức tiếng, tham gia vào các công đoạn sản xuất. Đêm về, du khách cùng ngồi quây quần bên bếp lửa, thưởng thức đặc sản địa phương, được có dịp nghe hát giao duyên và uống chén rượu thóc, rượu gạo của đồng bào người Dao tự chưng cất.