Ngôi làng đỏ lửa "thổi ra tiền" ở ngoại thành Hà Nội
Để làm ra những sản phẩm thủy tinh như ống đựng thuốc, vỏ bóng đèn hay những vật dụng bằng thủy tinh khác, phải trải qua rất nhiều công đoạn như: thổi, kéo, ép, cuốn…
Theo Bảo Khánh/Infonet
Xem toàn bộ ảnh
Cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 30km, xã Thống Nhất (huyện Thường Tín) là địa chỉ nổi tiếng với nghề thổi thủy tinh truyền thống. Trước đây, nhà nào cũng liên tục đỏ lửa, tạo ra những sản phẩm thủy tinh trang trí, thủy tinh ứng dụng...
Để tạo ra một sản phẩm thủy tinh phải thực hiện quy trình nhiều công đoạn. Các mảnh thủy tinh phải đảm bảo không bám bẩn và được phân loại theo màu khác nhau như xanh, trắng. Tùy theo yêu cầu của từng sản phẩm mà quy trình sản xuất có thể khác nhau như thổi, ép, kéo, cuốn… Tuy nhiên, phương pháp gia công truyền thống là thổi vẫn được nhiều người sử dụng.
Miệt mài trong xưởng để làm mẻ dụng cụ y tế bằng thủy tinh, ông Lương Văn Trãi - người đã có hơn 25 năm với nghề thủy tinh chia sẻ: “Những năm gần đây, gia đình tôi không chỉ làm bóng đèn, ống nghiệm với cách tạo hình đơn giản mà còn làm thủy tinh trang trí có độ phức tạp, cầu kỳ như chuông gió, cây thông, 12 con giáp... Muốn theo nghề thổi thủy tinh, trước tiên, bản thân người thợ phải yêu nghề".
Người thợ “quện” thủy tinh nóng chảy vào đầu một cái ống dài rồi kê miệng vào đầu kia của ống và thổi, khi đó, thủy tinh ở đầu kia phình ra. Trong lúc thổi, người thợ phải tạo hình và làm cho sản phẩm có độ dày thích hợp.
Để làm ra được các sản phẩm ưng ý, người thợ lành nghề phải biết được độ “chín” của thủy tinh. Ban đầu khi mới tiếp xúc với lửa, thủy tinh sẽ có màu xanh, khi đốt đến độ, thủy tinh sẽ chuyển sang màu trắng. Lúc đó chỉ cần hà hơi thổi nhẹ, thủy tinh sẽ phồng ra to nhỏ theo ý muốn.
Một số sản phẩm của làng nghề thổi thủy tinh ở xã Thống Nhất.
Hiện tại cả xã Thống Nhất chỉ còn khoảng 20 người theo nghề thổi thủy tinh. Những người trẻ theo nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mỗi xưởng sản xuất thủy tinh đều có những bí quyết riêng từ công đoạn lựa chọn chất liệu thủy tinh cho tới nung nóng và tạo hình, để làm ra những sản phẩm có độ bền cao, độ trắng trong, đồng đều và an toàn.
Nhiều hộ làm nghề thổi thủy tinh ở xã Thống Nhất hiện không chỉ sản xuất những sản phẩm truyền thống mà còn tìm tòi nghiên cứu để làm ra các vật dụng, thiết bị sử dụng trong lĩnh vực y tế, giáo dục.
Để làm ra những sản phẩm thủy tinh như ống đựng thuốc, vỏ bóng đèn hay những vật dụng bằng thủy tinh khác, phải trải qua rất nhiều công đoạn như: Thổi, kéo, ép, cuốn…
Trong các bước tạo hình thủy tinh, kỹ thuật thổi là quan trọng nhất. Người thợ phải điều tiết hơi thở sao cho nhịp nhàng, phù hợp với từng loại sản phẩm. Thậm chí, những người thợ lành nghề còn phải có thủ thuật giữ hơi thở để thổi vừa vặn với tạo hình mong muốn.
Ngoài sự khéo léo để điều tiết hơi thở, người làm nghề cần có một sức khỏe tốt để chịu được sức nóng của ngọn lửa luôn đỏ rực trong suốt quá trình làm việc. Chị Tạ Thị Ngà, một trong những người con theo nghề này cho hay, trải qua nhiều năm tháng khó khăn để thích ứng với sự phát triển của xã hội và yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, nhiều hộ làm nghề thổi thủy tinh truyền thống ở xã đã tìm tòi nghiên cứu để làm ra các mặt hàng mới, là những vật dụng, thiết bị trong lĩnh vực y tế, giáo dục... mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Sau khi hoàn thành, những sản phẩm này sẽ được chuyển đến tay người tiêu dùng. Những sản phẩm thủy tinh tinh xảo của thương hiệu một thời "Thống Nhất" ngày nay vẫn được người dân ưa chuộng.