Ngậm ngùi mang tiếng “kẹt sỉ”
Từ ngày lấy vợ, cả cơ quan ai cũng bảo anh Tiến thay tính đổi nết 180 độ. Trước đây, mấy dịp ngày lễ, ngày Tết của các chị em, anh Tiến đều kêu gọi các anh em cũng cơ quan tổ chức, rồi mua quà, mua hoa cho các chị em, thế nhưng giờ đây, đến một cốc nước mời chị em cũng không còn nữa.
Dù biết đồng nghiệp xì xào về độ “kẹt sỉ” bất ngờ của mình, nhưng anh Tiến vẫn ngậm ngùi, không biết giải thích như thế nào. Anh cho biết: “Quả thực từ ngày lấy vợ, tôi bị quản lý quá chặt. Vợ tôi luôn lo tiêu xài hoang phí đến khi đẻ con ra không có tiền nuôi, nên cô ấy tiết kiệm từng đồng một. Tôi cũng đã nhắc nhở cô ấy nhiều lần, nhưng lại bị vợ giận dỗi, kêu đem tiền đi “bao gái”, cho nên vẫn để cô ấy vét từng đồng trong ví”.
Ảnh minh họa |
Cùng cảnh ngộ như anh Tiến, Anh Lương Mạnh Hùng ở Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội cũng chung cảnh ngộ. Anh Hùng đi ô tô đi làm, đã dặn đi dặn lại vợ là để 2 triệu trong cốp xe, phòng khi đi đường có việc gì. Thế nhưng vợ anh vẫn dấm dúi lấy cất đi lúc nào không biết. “Có hôm tôi bị hỏng xe trên cao tốc, phải gọi cứu hộ, mở cốp xe ra không thấy tiền đâu. Vừa dở khóc, dở cười, lại tức điên lên với hành động của vợ. Đúng là đàn bà, chi li tính từng tí một. Lúc yêu, tôi không thấy cô ấy như vậy mà lấy về lại thành ra thế này. Trót lấy những cô vợ như vậy rồi nên chẳng biết làm sao”, anh Hùng chia sẻ.
Quản lý tiền là cách quản chồng tốt nhất
Mặc cho cánh đàn ông ngậm ngùi, nhiều chị em phụ nữ vẫn vô tư “siết” chi tiêu của chồng, bởi họ có cái lý riêng của mình.
Chị Hoa, ở Yên Hòa, Hà Nội kể: “Hồi đầu lấy nhau, tôi cũng khá thoải mái với chuyện tiền nong của chồng. Chồng đưa bao nhiêu, tôi biết bấy nhiêu. Thế nhưng, được chiều quá anh ấy hóa hư, đem tiền đi bao gái. Vợ chồng tôi đứng trước bờ vực của tan vỡ. Sau tôi tha thứ cho việc anh ấy ngoại tình, với một điều kiện, đó là phải để vợ quản lý toàn bộ tiền nong”.
Chị Hương ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội cũng đồng tình rằng, đàn ông có tiền, ra đường dễ bị “mồi chài” hơn. Cùng với đó, có tiền trong tay, họ sẽ phung phí vào những việc vô nghĩa. “Đàn bà cầm tiền thì sẽ chỉ lo lắng cho chồng, cho con mà thôi. Còn đàn ông cầm tiền sẽ ra ngay quán nhậu, quán hát. Như vậy, tội gì để đàn ông có tiền trong túi?”
Khi những quan điểm không gặp nhau
Cả khu phố bàng hoàng khi nghe tin vợ chồng chị Mai Anh ly hôn. Chị vốn là người xinh đẹp, lại giỏi quán xuyến gia đình, nuôi dạy con cái. Vì thế, khi biết, anh Dương, chồng chị nộp đơn ra tòa với lý do bị vợ kiểm soát tiền nong quá chặt khiến anh nhiều lần mất mặt với bạn bè, thì ai cũng bất ngờ.
Trên thực tế, những chuyện như của chị Mai Anh không hề hiếm. Khi người đàn ông họ đã bất cần, thì tất cả có thể trở nên vô nghĩa. Anh Dương nói: “Cô ấy kiểm soát mọi thứ, nhất là tiền nong. Lúc nào cũng nơp nớp tôi có tiền là đi cho gái, hoặc cho anh em nhà nội, mà tôi nào có nhiều tiền cơ chứ. Việc cô ấy làm tôi chỉ nghĩ là cô ấy không có sự tin tưởng ở chồng. Một khi không có sự tin tưởng, thì không nên chung sống làm gì cả”.
Trong xã hội ngày nay, đàn ông có nhiều nhu cầu, nhất là nhu cầu giao tiếp, thể hiện bản lĩnh với mọi người. Mà phải có tiền để thực hiện điều đó. Tiền cũng cần trong những sinh hoạt, giao lưu hằng ngày… Vì thế, nếu các bà vợ cố gắng tước đoạt đi những điều đó, thì có nghĩa là đã động chạm đến những thứ tự ái cố hữu của đàn ông. Do vậy, phụ nữ cần khéo léo xử lý mọi việc, nhất là liên quan đến tiền nong để chồng mình có điều kiện thể hiện bản thân mình.
Anh Tiến nói: “Phụ nữ nghĩ giữ chặt tiền của chồng là để vì chồng vì con, nhưng không nghĩ được rằng, đàn ông cũng chẳng phải ai cũng hoang phí, chúng tôi cũng vì gia đình cả thôi. Nếu không hài hòa, thì sẽ nảy sinh mâu thuẫn vợ chồng. Và khi đó, chẳng tiền nào hàn gắn được những vết rạn nứt cả”.