Ngự y ghen ghét hãm hại, Hải Thượng Lãn Ông suýt mang họa

Bọn ngự y trong cung ghen tỵ với Hải Thượng Lãn Ông và không chịu chữa theo đơn của ông, nên thế tử không khỏi. Ông biết thế nhưng không hề thắc mắc với bọn thầy thuốc thiếu lương tâm này.

Ngự y ghen ghét hãm hại, Hải Thượng Lãn Ông suýt mang họa

Lê Hữu Trác hay còn có tên khác là Hải Thượng Lãn Ông, sinh ngày 12/11/1724, năm Giáp Thìn vào cuối đời Hậu Lê. Quê ông ở thôn Văn Xá, làng Lưu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là thôn Thanh Xá, xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hải Hưng). Ông mất ngày rằm tháng Giêng, năm Tân Hợi, niên hiệu Quang Trung thứ 4 (1791), tại xã Tình Diễm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Ngu y ghen ghet ham hai, Hai Thuong Lan Ong suyt mang hoa
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Cha ông là Lê Hữu Mưu đỗ tiến sĩ và ra làm quan giữ đến chức Thượng thư đời Lê Dụ Tông. Mẹ ông quê ở Bàu Thượng, làng Tình Diễm, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Hồi nhỏ, ông theo cha đi học ở Thăng Long. Năm 1739 cha ông mất và lớn lên thì gặp thời loạn. Khi ấy, vua Lê chỉ là hư vị, Chúa Trịnh lộng quyền, các nơi trong nước đều nổi dậy chống đối, có lần Lãn Ông cũng ra cầm quân dẹp loạn, nhưng vì chán ghét cuộc chém giết tương tàn nên nhân có tin người anh ở Hương Sơn mất, ông bèn viện cớ về quê nuôi mẹ.

Khi bị đau ốm, Lãn Ông đã tìm đến vị lương y Trần Độc ở Núi Thành, xã Hương Cần, huyện Thanh Chương, Nghệ An để chữa bệnh. Trong thời gian ở đó hơn 2 năm, Lãn Ông đã nghiên cứu các sách y học kinh điển, nhất là bộ Phùng Thị Cẩm Nang và cùng họ Trần bàn luận về y học. Bấy giờ, có người là Hải Quận Công biết Lãn Ông văn võ kiêm toàn muốn mời ra cầm quân lần nữa, nhưng vì chán ghét chiến tranh, không ham danh lợi nên Lãn Ông đã cương quyết chối từ, trở về Hương Sơn nghiên cứu y học và chữa bệnh.

Năm 1760, khi người mẹ mất, lúc đó tuy mới 35 tuổi nhưng Lãn Ông đã nổi tiếng là một danh y có tài. Ngoài việc chữa bệnh, Lãn Ông còn mở lớp dạy cho đồ đệ. Suốt hai mươi mấy năm, ông luôn lưu tâm nghiên cứu, đem hết tài năng, tinh thần để tận tụy chữa bệnh cho dân chúng và giảng dạy cho đời sau.

Năm 1782, đời Lê Hiến Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 43, bấy giờ tuy đã ngoài 60 tuổi nhưng Hải Thượng Lãn Ông vẫn bị triệu về kinh để chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán, con Chúa Trịnh Sâm. Khi vào phủ chúa xem mạch và kê đơn cho thế tử Trịnh Cán, ông được Trịnh Sâm khen “hiểu sâu y lý” và ban thưởng cho ông 20 suất lính hầu và bổng lộc ngang với chức quan kiểm soát bộ Hộ để giữ ông lại. Nhưng ông giả ốm không vào chầu, sau lại viện cớ tuổi già mắt hoa, tai điếc thường ốm yếu để được trọ ở ngoài. Bọn ngự y trong cung ghen tỵ với Hải Thượng và không chịu chữa theo đơn của ông, nên thế tử không khỏi. Ông biết thế nhưng không hề thắc mắc với bọn thầy thuốc thiếu lương tâm này, mặt nữa ông không thật nhiệt tình chữa, kết quả để sớm thoát khỏi vòng cương tỏa của quyền thần, danh lợi.

Khi trở về Hương Sơn, Hải Thượng tiếp tục nghiên cứu, chữa bệnh, giảng dạy và hoàn thành bộ Y Tông Tâm Lĩnh, bộ sách đông y lớn nhất và quý nhất ở nước ta ngày nay, gồm 63 cuốn (nay chỉ còn 55 cuốn) do Vũ Xuân Hiên thu thập lại và cho in vào năm 1866. Nội dung của bộ sách này bao gồm y lý, chẩn trị, phương dược và được trình bày có hệ thống, có kết hợp lý luận với thực tiễn; đồng thời có phân tích chứng minh rõ ràng về nguyên nhân các chứng bệnh cũng như cách chữa trị.

Lời bàn:

Nếu cắt nghĩa hai chữ “Lãn Ông” theo chữ Hán thì có nghĩa là “ông lười”. Ở đây không phải Hải Thượng cho mình là một người lười biếng, không thích làm, không thích học mà là người lười nhận công danh, bổng lộc. Nói cách khác, ông là người chán ghét công danh, muốn tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của danh lợi, của quyền thế, để được tự do nghiên cứu y học, thực hiện chí hướng mà mình yêu thích gắn bó.

Tuy chịu ảnh hưởng của y học Trung Hoa nhưng Lãn Ông đã có óc sáng tạo vận dụng y lý hợp với hoàn cảnh khí hậu và thể chất của người Việt Nam và sử dụng thuốc nam để chữa bệnh. Tiếc rằng vào cuối thời Lê, trải qua bao nạn binh đao, các sách quý của ông bị thất truyền, trong đó có “Y phương hải hồi”, “Cơ yếu” và đặc biệt là tập “Ấu khoa”. Nhưng với ngần ấy sách thuốc còn lại của ông cũng đã quá đủ để làm nên một tên tuổi lớn trong nền y học cổ truyền nước nhà. Vì thế vua Khải Định đã phong cho ông là “Việt Nam Y Thánh”. Và thực tế là trong lịch sử Việt Nam, chưa từng có nhân vật nào mà nhân dân quý mến như Hải Thượng Lãn Ông. Tiếc rằng hậu thế thời nay có quá ít người noi theo, vì thế cho nên mới có chuyện thầy thuốc thích nhận bao thư của người nhà bệnh nhân, thích kê toa trái quy định để hưởng hoa hồng từ nhà thuốc..., thật đáng buồn thay.

Nơi lưu dấu ấn của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông

Nơi lưu dấu ấn của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông
Chùa Tượng Sơn vừa được đại trùng tu lần thứ 3, giữ nguyên mẫu từ lần trùng tu trước (1880). Công trình trùng tu do Bộ Y tế giao Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác làm chủ đầu tư và chùa vừa khánh thành vào tháng 2-2013…

Dựng tóc gáy bài thuốc cổ chế từ… phân!

Dựng tóc gáy bài thuốc cổ chế từ… phân!
Phân người, cái thứ gớm ghiếc ấy từng được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ y tế giao cho Viện lao nghiên cứu dùng làm thuốc cứu người. Bản dịch một tập tài liệu cổ gần 2.000 từ được chép trong Sổ nghiên cứu của Viện chống lao có đến 33 đơn thuốc chống bệnh hiểm nghèo đến nay vẫn còn đẫm tính thời sự.

Phát hiện nấm linh chi “khủng” trên cây đa ở Hải Dương

(Kiến Thức) - Trên thân cây đa cổ thụ thuộc địa bàn xã Tân Phong (huyện Ninh Giang, Hải Dương), một người dân đã phát hiện 2 cây nấm linh chi khổng lồ, cân nặng mỗi cây nấm lên tới 3,6 kg, đường kính lên đến 40 cm.

Phát hiện nấm linh chi “khủng” trên cây đa ở Hải Dương
Theo anh Trần Văn Thọ (số 24C, phố Bá Liễu, khu 5, phường Hải Tân, TP Hải Dương) cho biết, ngày 21/7, tại cây đa cổ thụ thuộc xã Tân Phong (huyện Ninh Giang, Hải Dương) anh đã hái được 2 cây nấm linh chi cổ có cân nặng khủng lên đến 3,6 kg/cây.

Tin mới