Người chết trong Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm: Hà Nội và Sở Y tế có tắc trách, cẩu thả?
(VietnamDaily) - "Việc người chết vẫn có tên trong Ban chỉ đạo Công tác An toàn thực phẩm TP Hà Nội thể hiện sự tắc trách của người ký văn bản, và sự cẩu thả của bộ phận tham mưu." - Luật sư Diệp Năng Bình bày tỏ.
Đá bóng trách nhiệm?
Liên quan vụ việc Phó Chủ tịch UBDN TP Hà Nội - Nguyễn Văn Sửu ký Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Công tác An toàn thực phẩm TP Hà Nội (công văn số 1730/QĐ-UBND ký ngày 9/4/2019), trong đó có tên ông Lê Tiến Dũng (nguyên Phó Tổng biên tập Báo Hà Nội Mới) đã mất cách đây hơn 4 tháng.
"Sự việc thuộc thẩm quyền của Sở Y tế Hà Nội, PV liên hệ Sở này làm việc. Nếu Sở Y tế không tiếp, PV gửi công văn đến chúng tôi sẽ làm việc cụ thể" - ông Nguyễn Hải Phong - Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức TP Hà Nội nói.
Tiếp tục làm việc với Sở Y tế Hà Nội, PV hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu, song câu trả lời vẫn là "chờ đợi". Tới thời điểm này, PV vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi từ Sở Y tế Hà Nội.
Ban Chỉ đạo Công tác An toàn thực phẩm lập cho có?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật đã đưa ra những quan điểm xung quanh vấn đang gây bức xúc dư luận này.
"Đọc bài báo mà tôi rất buồn cười và đặt câu hỏi: Tại sao UBND TP Hà Nội - Thủ đô của cả nước lại ra Quyết định kiện toàn danh sách Ban Chỉ đạo Công tác An toàn thực phẩm, đưa người đã chết vào... gây sai sót đáng tiếc như vậy?" - Luật sư Diệp Năng Bình đặt vấn đề.
Vị luật sư nói thêm: "Có hay không? Hà Nội sẽ 'quy kết' chắc là 'lỗi của anh đánh máy' khi đưa một người đã chết từ mấy tháng trước vào, chứ vị Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội – ông Nguyễn Văn Sửu không hề biết gì cả.
Hoặc có thể vị Phó Chủ tịch không hề biết ông Lê Tiến Dũng - nguyên Phó Tổng biên tập Báo Hà Nội Mới đã từ trần nên mới ký. Lẽ nào ông Nguyễn Văn Sửu biết một người có địa vị xã hội như vậy từ trần mà vẫn ký? Nhưng ông Sửu còn là Phó ban Chỉ đạo mà (?!)"
Theo luật sư Bình: "Dù thế nào, công bằng mà nói, đáng trách là trách cơ quan đã tham mưu, để Phó Chủ tịch TP Hà Nội - Nguyễn Văn Sửu đặt bút ký. Vì thế, quyết định này cần phải hủy và thay thế bằng một quyết định mới.
|
Quyết định về việc Kiện toàn Ban Chỉ đạo Công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội có tên ông Lê Tiến Dũng (nguyên phó TBT Báo Hà Nội Mới) - đã chết cách đây 4 tháng. |
Như trong Quyết định số 1730/QĐ-UBND - do Phó Chủ tịch TP Hà Nội - Nguyễn Văn Sửu ký, Sở Y tế Hà Nội là đơn vị tham mưu cho UBND TP Hà Nội ra Quyết định kiện toàn danh sách Ban chỉ đạo Công tác An toàn thực phẩm.
Sở Y tế đã đưa cả tên người chết vào Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Công tác An toàn thực phẩm có được xem là Sở này thể hiện chức năng tham mưu yếu kém, làm việc cẩu thả, thiếu tôn trọng cấp trên hay không?"
"Việc ký văn bản kiện toàn Ban Chỉ đạo có cả tên người chết có thể xem công tác còn nặng về bệnh hình thức khi chỉ biết đưa vào cho có, thành lập cho có mà không biết được rằng, trước khi ra một quyết định như vậy, họ phải họp, phải lấy ý kiến, phải thống nhất về nhân sự và phân công nhiệm vụ?
Một ban có chức năng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm mà sự tham mưu cẩu thả như thế thì khi giám sát, kiểm tra có buông lỏng quy định, xuề xòa bỏ qua sai sót hay không?
Trong khi vấn đề an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được nhà nhà, người người quan tâm hiện nay?" - luật sư đánh giá.
Luật sư Bình nói thêm: Việc ký Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo có cả tên người chết sẽ tạo một dư luận xấu đối với người dân, bởi lẽ, không phải người dân nào cũng biết và phát hiện ra điều này. Trong khi đó, Ban này lại hoạt động dựa trên kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Việc cấp kinh phí cho một Ban chỉ đạo có cả người chết đi làm nhiệm vụ sẽ rất phản cảm.
"Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm Hà Nội lại có đến 37 người là một con số quá lớn về nhân sự. Sở Y tế Hà Nội với chức năng chuyên môn trong lĩnh vực này không thực hiện được hay thực hiện hạn chế, hay do cần phải có bộ phận kiểm tra chéo hoạt động của Sở Y tế, mà UBND Hà Nội phải lập ra thêm Ban chỉ đạo với số lượng người 'đồ sộ' vậy?", luật sư Bình đặt "dấu hỏi" về tính cấp thiết và hiệu quả của Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm Hà Nội.
Sự tắc trách của người ký văn bản
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH luật Đại Nam (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng bày tỏ quan điểm về vụ việc: Sự việc Hà Nội đưa tên người chết hơn 4 tháng vào Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Công tác An toàn thực phẩm thể hiện sự tắc trách của các bên liên quan. Đặc biệt là người ký văn bản (ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội).
|
Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội là người ký Quyết định về việc Kiện toàn Ban Chỉ đạo Công tác An toàn thực phẩm có tên người đã chết. |
"Có thể do sơ xuất từ bộ phận tham mưu - Sở Y tế Hà Nội. Tuy nhiên, ở cương vị Phó Ban chỉ đạo mà ông Nguyễn Văn Sửu không nắm được danh sách nhân sự được phê duyệt có tên ông Lê Tiến Dũng - nguyên Phó Tổng biên tập Báo Hà Nội Mới - đã qua đời từ cuối năm 2018, thì ông Sửu chưa sâu sát công việc?" - Luật sư Nguyễn Anh Tuấn nói.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin vụ việc "người chết có tên trong Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm Hà Nội".