Người đàn bà có tấm lòng Bồ Tát

(Kiến Thức) - Người dân xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình thường gọi bà Bùi Thị Vân là người có tấm lòng Bồ Tát bởi bà chưa bao giờ từ chối giúp đỡ bất kỳ ai.

Trẻ chăn trâu mơ thành cô giáo
Đến thị trấn Kỳ Sơn chỉ cần hỏi anh xe ôm về bà Vân họ sẽ đọc vanh vách tiểu sử của bà. Bà nổi tiếng không phải là người giàu có nứt đố đổ vách mà bà giàu về tình cảm, cưu mang giúp đỡ dân nghèo.
Khi chúng tôi vào nhà bà Vân, một người chỉ ra xưởng mộc có người phụ nữ đứng tuổi, đeo khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ lao động đang đưa gỗ vào máy xẻ cùng nhóm người. Chẳng ai biết đâu là chủ, đâu là người làm thuê. Thấy có khách lạ, bà Vân đon đả mời khách vào ghế ngồi uống nước, vừa bỏm bẻm nhai trầu bà vừa nói: “Cuộc đời tôi có quá nhiều thăng trầm, có lúc tôi muốn tìm đến cái chết để tiêu tan nỗi uất ức, bất công ở đời. Giờ mở xưởng gỗ này ra để tạo việc làm cho dân bản và giúp đỡ người nghèo khó”.
Bà Vân vốn không phải là người gốc ở đây, quê bà ở huyện Mỹ Đức (Hà Tây cũ) bà là con út trong gia đình 6 anh em. Tuy gia đình bà nghèo nhưng bố mẹ bà quyết tâm làm lụng lấy tiền cho mấy chị em bà ăn học. Năm bà Vân học lên lớp 4 thì bố mẹ qua đời. Cuộc sống khốn khó mấy anh em bà theo người họ hàng, kéo nhau lên huyện Kỳ Sơn tìm kế sinh nhai. Tuổi thơ của bà Vân gắn liền với năm tháng đi ở thuê cho nhà địa chủ, chăn trâu cắt cỏ lấy tiền ăn học. Bà mơ ước sau này sẽ trở thành cô giáo để mang cái chữ đến những đứa trẻ nghèo không có điều kiện đến trường. 
Từ ngày ra tù bà Vân rất nghiện ăn trầu.
Từ ngày ra tù bà Vân rất nghiện ăn trầu. 
Tuyệt thực phản đối sự bất công
“Ước mơ đó của tôi dần trở thành hiện thực khi tôi thi đậu vào trường Trung cấp Sư phạm Hòa Bình - khóa đào tạo ngành Sư phạm đầu tiên do Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Hòa Bình tổ chức. Khi ra trường tôi được phân công về dạy trường THCS xã Mông Hóa (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình). Trong quá trình dạy học tôi đạt được nhiều thành tích cao và được học trò yêu quý. Nhưng khi đó gia đình đông con, tiền lương không đảm bảo cuộc sống. Vì thế, tôi quyết định làm đơn xin nghỉ dạy về nhà chuyển nghiệp sang kinh doanh. Đây là quyết định vô cùng khó khăn với tôi, bởi thay đổi công việc đồng nghĩa với việc từ bỏ ước mơ trước đây. Nhưng cuộc sống khó khăn quá, tôi đành chấp nhận”, bà Vân tâm sự.
Về nhà bà bàn tính với chồng đi vay mượn tiền của người thân và ngân hàng để đầu tư vào lĩnh vực xây dựng. Để công việc được thuận lợi bà mở cả công ty để giao dịch (Công ty xây dựng Hồng Vân). Nhưng rồi, sự thay đổi cuộc sống chưa thấy đâu, tai họa đã ập đến. Bà Vân kể: Vào năm 1994 công ty của bà Vân trúng thầu xây dựng chợ Bãi Nai, trụ sở UBND xã Mông Hóa. Các công trình này đều do UBND xã Mông Hóa làm chủ đầu tư. Sau hơn một năm thi công, công ty bà Vân đã hoàn thành tiến độ và chất lượng công trình. Theo hợp đồng thì phía UBND xã Mông Hóa thanh toán trước 60% số tiền công trình, số tiền còn lại sẽ thanh toán sau khi công trình hoàn thành. 
Dù là chủ, nhưng bà làm việc như công nhân.
Dù là chủ, nhưng bà làm việc như công nhân. 
“Năm 1995 công trình đã nghiệm thu mà phía UBND xã Mông Hóa không thanh toán tiền, quá thời gian thanh toán, tôi đã làm đơn kiện họ tới Tòa án nhân dân huyện Kỳ Sơn. Sau khi các cơ quan chức năng thẩm tra nhiều lần, ngày 17/5/1997 Tòa án nhân dân huyện Kỳ Sơn đưa vụ án ra xét xử và yêu cầu UBND xã Mông Hóa phải trả nợ đầy đủ cho công ty tôi theo hợp đồng kinh tế đã ký”, bà Vân cho biết.
Tưởng chừng công lý sẽ đứng về phía mình, nhưng bà Vân không ngờ một năm sau ngày xét xử vụ án, công an huyện Kỳ Sơn ra quyết định điều tra các công trình bên công ty bà xây dựng. Họ lật lại hồ sơ và cho rằng công ty bà Vân đã vi phạm trong quá trình thi công. Sau đó, công an huyện đến đọc lệnh bắt tạm giam bà để phục vụ điều tra. 
Khi bị bắt lên phòng tạm giam cả tuần bà Vân không ăn uống gì, cơm cháo đưa vào bà đều bỏ đi. Bà quyết định tuyệt thực để phản đối sự bất công của cơ quan công quyền. “Những ngày bị bắt giam tôi sống nhờ vào cau trầu. Khi cơ thể không còn sức tôi ngất đi, may thay mọi người đã đưa tôi đi cấp cứu kịp thời mới giữ được tính mạng. Sau này tôi đã được công an huyện thả và minh oan”, bà Vân nhớ lại.
Bà Vân làm việc cùng công nhân trong xưởng chế biến lâm sản bên quốc lộ 6.
Bà Vân làm việc cùng công nhân trong xưởng chế biến lâm sản bên quốc lộ 6.
Làm phúc cho người cũng là cho mình
Gia đình bà Bùi Thị Vân có khoảng diện tích đất đai khá rộng rãi bên quốc lộ 6, khu vực bà sinh sống có nguồn nguyên liệu gỗ đồi sẵn có thế là bà quyết định mở một xưởng chế biến lâm sản. Tiêu chí tuyển thợ vào làm của bà cũng khá đặc biệt, là những người có hoàn cảnh thực sự khó khăn, nếu chưa biết nghề bà nhận vào cho ăn ở miễn phí và đào tạo nghề.
Bà Bùi Thị Vân giờ được người dân trong vùng biết đến là người có tấm lòng nhân hậu, nhiều người nghèo khó nhờ bà giúp đỡ giờ đã có cuộc sống ổn định. “Mấy năm trước khi nghe tin ở Lạc Sơn, Hòa Bình có cháu Bùi Văn Bích mẹ chết sớm, bố bị tâm thần bỏ đi, cháu học hết lớp 4 thì bỏ học. Tôi đã tìm về tận nơi, trao đổi với người thân của Bích và đưa cháu về xưởng gỗ để nuôi. Một buổi cho cháu học nghề, một buổi cho cháu đến lớp học. Giờ Bích đã trưởng thành và trở về quê lập nghiệp”, bà Vân kể.
Đó chỉ là một trong số nhiều hoàn cảnh mà bà Vân đã giúp đỡ. Quốc lộ 6 quãng đường bên cạnh xưởng gỗ của bà Vân trước đây xảy ra những vụ tai nạn thương tâm. Có đôi vợ chồng người Mai Châu, Hòa Bình đi qua quãng đường này đã bị chiếc xe tải đi cùng chiều cán chết, xác nạn nhân không còn nguyên vẹn. Nhiều người sợ hãi, không dám nhìn. Bà Vân bình tĩnh bước đến nhặt từng bộ phận cơ thể của họ cho vào quan tài. Bà kiểm tra giấy tờ tùy thân của họ rồi thông báo cho người thân đến đưa về quê an táng. 
Anh Việt được bà Vân chăm sóc như con.
Anh Việt được bà Vân chăm sóc như con. 
Bà Vân bảo những trường hợp như thế nhiều lắm, sống ở đời làm phúc cho người khác, cũng là để phúc lại cho đời. Bao nhiêu tiền bạc, vật chất cũng không bằng tình người. Bà vừa nói chưa dứt lời bỗng có một người đàn ông đi bộ ngang qua đường. Anh ta mặc bộ quần áo rách rưới, chân đi xiêu vẹo vì đói khát. Thấy vậy bà Vân đon đả ra mời anh ta vào nhà uống nước, xuống nhà lấy cơm cho anh ta ăn. Người đàn ông vừa ăn vừa cám ơn bà, giọng nói đậm chất xứ Nghệ: “Cháu tên là Nguyễn Văn Việt, 50 tuổi, quê ở xã Hưng Long, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Bố cháu trước đây làm công nhân trên thủy điện Hòa Bình, rồi ở luôn trên đó không về nữa. Mấy năm nay cháu đi tìm bố mà không được. Cháu đi bộ là chủ yếu, xin nhờ xe dọc đường ai thương cho đi nhờ đoạn nào biết đoạn đó”.
Bà Vân mang chiếc khăn mặt giặt sạch sẽ lau lên trên khuôn mặt nhem nhuốc vì bụi bẩn của Việt, bà rớt nước mắt khi nghe Việt kể về những ngày đi tìm cha. Bà Vân muốn giữ Việt ở lại để làm ở xưởng gỗ, nhưng anh từ chối. Anh muốn thực hiện ước nguyện của người mẹ là tìm bố về quê để gia đình đoàn tụ. Bà Vân lấy trong túi đưa cho Việt ít tiền và bảo: “Số tiền này không nhiều nhặn, con cầm lấy mà uống nước dọc đường. Đi đường nếu đói khát quá thì quay lại nhà mẹ nhé”. Người lữ khách rưng rưng nước mắt, nói lời cảm ơn và tiếp tục cuộc độc hành trên quốc lộ 6...
“Thật hiếm nơi đâu có được người giàu tình yêu thương như bà Bùi Thị Vân. Bà mở xưởng gỗ ra để cưu mang giúp đỡ những người nghèo khó”.
Ông Nguyễn Xuân Điền (Phó Chủ tịch UBND xã Dân Hạ, Kỳ Sơn, Hòa Bình)

Người đàn bà cưới vợ cho chồng

- Bà Phạm Thị Tùng (Mễ Trì Hạ, Hà Nội) đưa chồng đi hỏi vợ hai vì muốn… giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Đắng lòng chuyện hai chị em lấy chung một chồng

Khi biết em vợ thích mình, Trãi cũng không phản ứng gì, thậm chí sau đó còn lén lút qua lại với chị Tươi. 

Hai chị em ruột sống chung nhà, cô chị có 2 đứa con, cô em đang bế đứa bé gần một tuổi. Oái oăm thay, tất cả đều là con của một người đàn ông, là chồng của cô chị. Ấy vậy mà anh chồng trẻ vẫn chưa vừa lòng, lại muốn lấy thêm vợ mới chỉ vì nhìn vợ cũ… chán!

Tin mới