Mời độc giả xem clip "Câu chuyện tình đẹp như trong chuyện cổ tích với chàng trai bị bỏng": (Nguồn VTC1) |
Anh Chu Phạm Minh Tuấn (SN 1962, ngụ thôn Độc Lập, xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) là anh cả và cũng là người bất hạnh nhất trong số năm anh em.
Theo tâm sự, sáu tuổi anh đã biết giúp đỡ bố mẹ làm nhiều công việc nhà như nấu cơm, rửa bát. Nhưng khi vừa tròn 12 tuổi, một bên chân anh bỗng dưng sưng đỏ và đau dữ dội. Tưởng chân con bị dị ứng thời tiết, bố mẹ đưa anh đi khám ở bệnh viện huyện. Bác sĩ không chẩn đoán ra bệnh gì, chỉ bảo chữa triệu chứng cấp, về lấy thuốc nam đắp.
Đến khi bên chân còn lại cũng sưng nhức, gia đình mới tá hỏa đưa anh xuống Hà Nội khám. Bác sĩ kết luận anh bị viêm đa khớp. Đây là căn bệnh nguy hiểm, hiếm gặp và phải điều trị lâu dài. Nhưng mấy tháng nằm ở bệnh viện, bệnh tình của Tuấn không thuyên giảm, bố mẹ đành đưa anh về nhà. “Có bệnh thì vái tứ phương”, hễ nghe ngóng ở đâu có thầy thuốc giỏi, bố mẹ lại đưa anh đến chữa trị.
“Với chiếc xe đạp cọc cạch, bố chở tôi lên Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai… để tìm thầy, tìm thuốc. Khi về chữa trị ở nhà ông lang người Thanh Sơn (Phú Thọ), bệnh tình của tôi mới có biến chuyển. Nhưng chỉ khỏi được một năm lại tái phát trầm trọng hơn”, anh Tuấn nhớ lại.
Nên duyên qua sóng phát thanh
Đôi chân của anh dần teo cơ, co quắp, không di chuyển được. Thời gian đầu, Tuấn dùng hai chiếc ghế bằng gỗ để lê lết khắp nhà, đan rổ, rá bán lấy tiền phụ giúp bố mẹ. Đến năm 1982, sức khỏe anh yếu đi trông thấy, tay trái không cử động được, phải nằm một chỗ. Mọi sinh hoạt hàng ngày đều dựa vào hỗ trợ của bố mẹ.
“Nhiều lần bệnh tật hành hạ, đau quá, tôi cáu bẳn vô cớ với người nhà. Không ít lần tôi muốn quyên sinh để bố mẹ đỡ khổ. Nhưng hiểu được nỗi lòng của tôi, bố mẹ, anh em luôn ở bên chăm sóc, động viên. Vì thế tôi đã lấy lại tinh thần để sống tiếp”, anh nói.
Anh Tuấn, chị Thư đến với nhau sau 6 năm tìm hiểu với gần 400 lá thư. |
Ngoài việc tìm sách, báo về cho anh đọc đỡ buồn, bố mẹ còn mua cho anh một chiếc đài nhỏ để nghe tin tức hàng ngày. Từ chiếc đài này, anh được biết ngoài đời còn nhiều trường hợp có số phận bi đát hơn nhưng vẫn sống có ích, thậm chí đóng góp lớn cho cộng đồng. Từ đó anh luôn cố gắng sống lạc quan.
Năm 1995, khi Đài tiếng nói Việt Nam mở mục âm nhạc kèm theo các địa chỉ để kết bạn, Tuấn đã quen biết rất nhiều người qua chương trình này từ những lá thư. Trong đó có chị Đặng Thị Thư (SN 1975, quê huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Thời điểm đó, hầu như ngày nào anh cũng cặm cụi viết thư cho những người bạn mới quen. Mỗi lá thư gửi đi lại mong ngóng chờ đợi hồi âm. Nhưng những lá thư qua lại cũng ngày một thưa thớt.
Chỉ riêng chị Thư vẫn đều đặn viết thư cho anh. Họ chia sẻ với nhau nhiều chuyện trong cuộc sống. Cả hai đều có chung sở thích nghe đài, làm thơ, nên càng viết càng thấy hợp. Anh Tuấn quyết định nhận chị Thư là… em gái kết nghĩa. Mỗi bức thư anh chị gửi cho nhau dài cả chục trang giấy, dù chưa gặp mặt nhưng tình cảm giữa họ khăng khít như người thân.
Chị Thư cũng tâm sự, anh chị cứ gửi thư qua lại với nhau từ năm 1995 nhưng đến tận năm 2000 chị mới được anh Tuấn “cho phép” lên thăm nhà. “Anh ấy mặc cảm, tự ti về mình nên dù nhiều lần tôi ngỏ ý lên thăm, anh đều từ chối thẳng thừng”, chị giải thích.
Lần đầu tiên lên thăm anh kết nghĩa, chị Thư đi ô tô khách nhưng mang theo chiếc xe đạp để tự đạp xe tìm vào nhà anh. Vất vả một quãng đường dài, khi gặp chị không hề tỏ vẻ thất vọng về vẻ bề ngoài của anh, ngược lại còn tận tình chăm sóc cho anh tự nhiên như người nhà. Ở lại nhà anh Tuấn chơi khoảng ba ngày, chị xin phép về. Gia đình anh Tuấn rất lưu luyến.
Tình yêu qua gần 400 lá thư
Sau lần thăm đó, anh chị vẫn gửi thư đều đặn. Tình yêu từ đây dần bộc lộ. Chị Thư lại là người… bày tỏ trước. “Anh Tuấn sợ tôi bồng bột, suy nghĩ không thấu đáo nên mới muốn lấy một người tàn tật như anh ấy. Anh đã viết thư phân tích những khó khăn, thiệt thòi khi lấy anh, ví dụ như anh không thể lao động được, không phụ giúp tôi được điều gì. Cuộc đời tôi có thể sẽ khổ, vất vả hơn... Nhưng vì thương anh, tôi quyết tâm lấy anh để được chăm sóc cho anh cả đời. Anh tàn tật nhưng tình cảm của anh đáng quý trọng. Điều này khiến tôi rất cảm động, yêu anh từ lúc nào không hay”, chị Thư chia sẻ.
Lần thứ hai lên thăm gia đình người yêu, chị Thư ở lại chơi một tuần và chính thức “báo cáo” gia đình anh Tuấn chuyện yêu đương của hai người. Bố mẹ anh Tuấn vừa mừng vừa lo, thương cô gái vất vả nên hết lời khuyên nhủ nên “xem xét” lại. Trước tình cảm chân thành của chị dành cho anh Tuấn, gia đình anh đã xúc động chấp nhận để hai người đến với nhau.
Nhưng gia đình chị Thư ra sức phản đối. Buồn bã vì không được ủng hộ, chị viết thư tâm sự với anh. Trong thư chị còn khẳng định: “Nếu không lấy được anh, em sẽ không lấy ai nữa”. Không muốn người yêu buồn, anh Tuấn đã viết thư gửi riêng cho mỗi thành viên trong gia đình chị Thư.
Tấm chân tình của chàng trai tật nguyền cuối cùng đã thuyết phục được gia đình cô gái. Sau sáu năm quen biết với gần 400 bức thư qua lại, đám cưới của họ diễn ra vào cuối năm 2001. Vốn có nghề may nên chị Thư mở một cửa hàng may tại nhà. Bố mẹ già, chồng tàn tật, một mình chị phải cáng đáng cho cả gia đình nhưng chưa bao giờ than vãn một lời. Điều này khiến anh Tuấn và gia đình càng trân trọng chị hơn.
Sau một thời gian mở hàng may vắng khách, chị Thư chuyển sang bán hàng thuê. Mỗi tháng lương vài ba triệu khéo thu vén cũng đủ gia đình no ấm. Năm 2009, anh chị đón con gái đầu lòng. Từ ngày có con, chị Thư chuyển về làm gần nhà để tiện chăm sóc chồng, con. Hàng ngày, chị đi làm từ 5h30 nên ở nhà bố con anh Tuấn tự lo cho nhau. “Anh nằm một chỗ nhưng sáng dậy vẫn có thể gập chăn màn, cho con ăn sáng, chải tóc cho con… Với tôi, như vậy là mãn nguyện rồi”, chị Thư cho biết.
Đa cảm và nghị lực, anh Tuấn còn có tài làm thơ
Ánh mắt tràn ngập hạnh phúc, chị tâm sự, tới thời điểm hiện tại, chị chưa từng hối hận về quyết định lấy anh Tuấn. Chính tình cảm chân thành anh dành cho chị đã giúp chị vượt qua vất vả. Chứng kiến sự lớn lên từng ngày của con, anh chị càng thấy hạnh phúc trọn vẹn. Chị Thư bày tỏ: “Gia đình tôi rất khó khăn nhưng cũng chưa phải hộ nghèo tại địa phương. Cuộc sống đầy lo toan nhưng chỉ cần những người thân yêu của tôi luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, tôi sẽ luôn cố gắng là chỗ dựa tinh thẫn vững chắc cho họ”.
Chia sẻ với PV, Phó chủ tịch UBND xã Hợp Thịnh cho biết, câu chuyện tình yêu của vợ chồng anh Tuấn, chị Thư luôn được nhiều người ngưỡng mộ. Anh Tuấn từ bé đã nổi tiếng học giỏi, có tài làm thơ. Hiện nay, dù tàn tật nhưng anh vẫn tham gia nhiều hoạt động văn thơ của địa phương. Theo vị Phó chủ tịch xã: “Vợ chồng anh Tuấn là tấm gương vượt lên số phận đáng học tập”.