Người Hà Nội ăn gà thải 2-3 tấn/ngày

Trong khi diễn biến dịch H7N9 ngày càng phức tạp, tại Trung Quốc, thì hàng ngày gia cầm lậu từ Trung Quốc vẫn đang được tuồn về chợ gia cầm đầu mối Hà Vỹ rồi phân phối ra thị trường Hà Nội và các tỉnh, bất chấp nguy cơ lây lan dịch H7N9.
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 16/4/2013, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT cho hay, chợ gà Hà Vỹ mỗi ngày có 2 đến 3 tấn gà thải loại về. Ông Trọng nói: “Hình thức rất xảo quyệt bởi buôn lậu gà hiện là siêu lợi nhuận, không cấm triệt để được”.
Theo ông Trọng, những chủ buôn lậu gà tập kết rồi xé lẻ gà lậu ra đưa vào chợ, bằng mọi hình thức và không đi theo quy luật để trốn tránh kiểm tra của các cơ quan chức năng.
 
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.

Ông Trọng cho biết, chợ giống gia cầm Phú Xuyên, Hà Nội, gà giống, vịt giống không về định kỳ thứ 3 và thứ 6 hàng tuần như mọi khi. Chợ giống này có loại gà choai, ngỗng choai và vịt là của Trung Quốc. Tinh vi hơn là vận chuyển trứng chuẩn bị nở, chủ yếu là trứng của Trung Quốc. Các hộ này mua về, đưa vào máy ấp, 2 ngày sau là nở, chủ yếu là trứng ngan.
Trước nguy cơ rất lớn lây lan dịch cúm H7N9 từ gà, trứng, con giống được nhập lậu từ Trung Quốc, ông Đàm Xuân Thành, Cục phó Cục Thú y, Bộ NN-PTNT cho biết, đơn vị này đang gấp rút triển khai việc giám sát vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm, đặc biệt là gia cầm nhập lậu.
Cuối tháng này, dự kiến, Cục Thú y sẽ lấy 7.200 mẫu gia cầm cầm ở 60 chợ, điểm thu gom gia cầm giáp biên giới với Trung Quốc.
Ngoài ra, Cục Thú y đã chỉ đạo Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương rà soát lại toàn bộ 500 mẫu gia cầm nhập lậu và các mẫu gia cầm tại các chợ đã được lấy từ tháng 9/2012 đến nay để tiến hành xét nghiệm bổ sung tìm virus cúm A H7N9.
Hiện đã xét nghiệm được 151 mẫu lấy từ Lạng Sơn, Hưng Yên, Tuyên Quang, Cao Bằng.  Kết quả cho thấy, 100% mẫu này âm tính với virus cúm A/H7N9 và cúm A/H5N1.
Ở vào thời điểm này, Việt Nam chưa phát hiện có H7N9 trên người và trên gia cầm nhưng theo ông Đàm Xuân Thành, nghiên cứu trước đây cho thấy H7N9 có ở chim hoàng Mông Cổ và Hàn Quốc mang mầm bệnh nhưng không chết. Chúng có thể di cư, khi lây sang người có biến đổi thành bệnh nặng và gây tử vong cao.

TIN LIÊN QUAN

Tin mới