Quán phở tự tráng mà Sùng A Bình hiện quản lý này là một trong những công việc mà anh đang làm để trụ lại và giúp đỡ đồng bào dân tộc mình ở Thủ đô.
Sùng A Bình vẽ trên các thiết kế thời trang của mình. |
Cuộc gặp ở Hà Nội
Phở sạch tự tráng của người H’Mông xuất hiện tại Hà Nội từ một vài năm trước và quán phở mà A Bình đang quản lý là theo dạng nhượng quyền từ một người bạn tên Lý Chẩn Trà. Vấn đề là Hà Nội và phở là một trải nghiệm hoàn toàn khác những gì A Bình đã đi qua sau 18 năm lập nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Quán phở tự tráng của A Bình ở Khu đô thị Văn Khê, quận Hà Đông. So với nhiều quán phở tại Hà Nội, mặt bằng ở đây rất rộng, thoáng mát và sạch sẽ. Một khác biệt nữa là ở quán, thực khách có thể nhìn thấy tất cả công đoạn làm nên một bát phở gà truyền thống dân tộc H’Mông, đặc biệt là công đoạn tráng bánh phở tại chỗ. Và bánh phở thì được làm từ loại gạo trồng trên Hà Giang.
Dĩ nhiên, đó không phải là phở Tráng Kìm ở thôn Tráng Kìm, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ (Hà Giang) mà tôi đã có dịp thưởng thức khi lên cao nguyên đá nhưng mùi vị, mầu sắc, độ dai của sợi phở cũng không khác mấy. Nếu có khác biệt, đấy chỉ là về không gian, một không gian hiện đại, rộng rãi với người chủ và nhân viên đều là người H’Mông.
Nhìn bề ngoài, trông A Bình trẻ hơn so với trên ảnh. Cảm nhận ban đầu của tôi về chàng trai sinh năm 1990 là sự điềm đạm, từ tốn, cả trong cách nói chuyện lẫn những cử chỉ.
Bên bát phở gà còn nghi ngút khói, thơm mùi chanh, ớt vừa được đưa ra, A Bình cho tôi biết mới ra Hà Nội được một năm. Đúng hơn là trở lại Hà Nội nhưng không như lần đầu tiên đặt chân đến Thủ đô năm 2004 hay nhiều lần sau đó khi ra đây để tăng-bo trở về Điện Biên, anh chắc chắn sẽ gắn bó lâu hơn với mảnh đất này. Một phần là vì công việc và một phần vì ở đây thấy mình gần hơn với người thân, với cộng đồng H’Mông.
Và công việc như A Bình nhắc đến là quán phở sạch tự tráng theo dạng nhượng quyền. Quán mới khai trương hồi tháng 10/2023 nhưng đã có được một lượng khách nhất định.
Có điều, như chàng trai 33 tuổi H’Mông thừa nhận, tiền thuê mặt bằng và tiền điện đang chiếm đáng kể doanh thu, vì thế, anh sẽ phải tính toán lại để làm sao việc kinh doanh quán phở không ảnh hưởng đến những ý tưởng sáng tạo về thời trang, cũng như cuộc sống của 5 nhân viên người H’Mông, trong đó có người đến từ Hà Giang, người đến từ Lai Châu hay Điện Biên quê hương anh.
Gìn giữ văn hóa, bản sắc của người H’Mông
Sinh năm 1990, A Bình lớn lên trong một gia đình nghèo có 5 anh chị em ở xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, quê hương của người Anh hùng thiếu niên Vừ A Dính.
Một ngày mùa đông năm 2004, A Bình quyết định rời bỏ những ngọn núi cao quanh năm bao phủ bởi sương mù. Lúc đó, chỉ mới 14 tuổi, không nói được tiếng phổ thông nhưng vẫn nung nấu quyết tâm xuống một thành phố lớn như Hà Nội để thay đổi cuộc sống.
Vài tháng sau, A Bình lại theo chân nhóm bạn mới quen vào miền nam và dừng chân ở Thành phố Hồ Chí Minh, làm đủ những công việc vặt trước khi sinh hoạt tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau đó hai năm, A Bình nhận ra phải đi học lại và quyết định học bổ túc trung học phổ thông, ban ngày đi làm, ban đêm lên lớp để hoàn tất chương trình phổ thông tại Trung tâm Công tác xã hội-Giáo dục dạy nghề thiếu niên Thành phố Hồ Chí Minh. Thú vị là thời gian đi làm đó, A Bình đã bắt đầu làm quen với mảng thiết kế thời trang.
Đến năm 2008, khi đủ 18 tuổi, chàng trai người H’Mông rời Trung tâm Hỗ trợ xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu cuộc sống tự lập hoàn toàn.
Điều này là không hề dễ dàng sau rất nhiều năm đã coi trung tâm như gia đình của mình, coi các thầy, cô giáo như người cha, người mẹ của mình, cũng như việc phải tiếp tục theo đuổi con đường học tập, bắt đầu là học cao đẳng, rồi sau đó thi đỗ vào Trường đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên ngành Quản lý văn hóa, tổ chức sự kiện.
Tháng 8/2018, tốt nghiệp đại học và sau đó một tháng, A Bình khai trương cửa hàng áo dài tại quận Tân Phú với số vốn khởi nghiệp chỉ 20 triệu đồng từ vay mượn.
Khi làm về thiết kế, tiếp xúc nhiều, A Bình đã nhận thấy được giá trị to lớn của văn hóa truyền thống, của sắc màu, hoa văn trên trang phục của mẹ, của chị, trong những câu dân ca H’Mông như Mình hỡi, cái kim là ở tay mình, miếng vải cũng ở tay mình/Mình khâu một ngày thành hoa thành lá/Mình vá một đêm thành thân thành cành…/Mình thêu một lúc thành đàn con vật/Có vật, có cành, có hoa đủ cả.
Vì thế, A Bình ấp ủ kế hoạch xây dựng một thương hiệu thời trang của người H’Mông khi vẫn còn học đại học và Hmong Tagkis ra đời như thế.
Khó khăn ban đầu như A Bình tiết lộ là áo dài thổ cẩm bị giới hạn về chất vải, chất liệu cứng và khó thiết kế, vì vậy, một mặt đẩy mạnh doanh thu từ mảng thiết kế để bù chi phí, một mặt anh chuyển hướng sang thời trang ứng dụng.
Những đặc điểm trong trang phục của người H’Mông là mầu sắc, hoa văn được anh sử dụng, sáng tạo trong những mẫu thiết kế gần gũi với cuộc sống. Xưởng may của Hmong Tagkis nhỏ gọn, lúc nhiều nhất là 12 thành viên và hiện tại là bảy người.
Họ lấy chất lượng, hoa văn vẽ tay, may thêu thủ công, để bù đắp số lượng và sản phẩm do vậy đã được người tiêu dùng khắp nơi đón nhận, đặc biệt là cộng đồng người H’Mông ở nước ngoài.
Tuy nhiên, để mở rộng hơn nữa công việc kinh doanh, cũng như điều hành tại Công ty Mos Mos-Hmong mỹ phẩm mà A Bình quyết định chuyển ra Hà Nội. Hai lý do mà A Bình nhắc đến, trước tiên là nguồn nguyên liệu, thiết kế sử dụng chất liệu vải của người H’Mông, nên chi phí vận chuyển lớn, trong khi việc tiếp cận trao đổi ở Thành phố Hồ Chí Minh lại hạn chế.
Thứ hai là gia đình ở Điện Biên, xa xôi cách trở, bố mẹ giờ đều đã lớn tuổi nên A Bình muốn bắt đầu lại tại Hà Nội để vừa thuận tiện cho công việc, vừa tiện về thăm quê.
Trong tiếng H’Mông, Tagkis có nghĩa là buổi sáng ngày mới, là bình minh và Hmong của một ngày mới (thương hiệu thời trang Hmong Tagkis) có lẽ là điều A Bình luôn hướng đến mỗi khi bắt đầu chặng đường mới của mình ở “phố”.