Ông - kỷ lục gia chủ trì và tham gia khai quật các mộ cổ nhiều nhất với trên 300 ngôi mộ từ Nam ra Bắc, phục vụ công cuộc nghiên cứu khảo cổ học - đã từ trần tại TPHCM vào ngày 2/4 vì căn bệnh ung thư, thọ 83 tuổi.
Mục đích của Đỗ Đình Truật lặn lội sang xứ người không chỉ để tìm mộ của Hồ Quý Ly, mà còn tìm nơi chôn cất của các danh nhân VN từng sống tha phương rồi chết bên ấy. Ngay từ thời trẻ, khi đang du học ở TQ, ông Truật đã kết hợp cùng với GS Trần Văn Giáp để lục tìm trong tàng thư cổ của VN ở Côn Minh (tỉnh Vân Nam) cũng như đến các địa phương, để phát hiện ra rằng thông tin Hồ Quý Ly cùng các bộ tướng, thân quyến bị bắt đày đi lính và mất ở Quảng Tây là không đúng.
Nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật đã ra đi. |
Về sau này, mặc dù GS Trần Văn Giáp qua đời, ông Truật vẫn tiếp tục cuộc tìm kiếm, đến thành nhà Hồ (Thanh Hóa), rồi vào Quảng Ngãi để theo dấu vết con cháu nhà Hồ. Và năm 2004, như được những linh hồn tiền nhân mách bảo liên tục trong mơ, cùng với cứ liệu nghiên cứu dày dặn, ông đã có dịp đến núi Lão Hổ Sơn, thôn Kim Lăng, thuộc TP.Nam Kinh, tỉnh Giang Tô (TQ) - nơi mà ông đoán định có mộ của Hồ Quý Ly và gia tộc họ Hồ sau cơn quốc nạn.
Không chỉ tìm mộ Hồ Quý Ly, sinh thời, ông cũng nhiều lần tìm mộ của hậu duệ nhà Hồ - Hồ Thơm, tức Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Và dù cho đến nay, cuộc tìm kiếm mới chỉ ló dạng vài kết quả thì những bằng chứng mà ông đưa ra có thể giúp người sau kế tục sự nghiệp khảo cổ học một cách có căn cứ.
Hiếm có một nhà khảo cổ học nào bền bỉ và kiên định trong sự nghiệp của mình như ông Đỗ Đình Truật. Nghề khảo cổ mang lại cho ông nhiều niềm vui, nhưng cũng không ít tai nạn nghề nghiệp. Chính ông đã tìm ra bí quyết chế tác một loại gốm cổ đã thất truyền cùng thuật xây mộ có xác ướp của người xưa. Người ta gọi ông là cầu nối giữa hai thế giới âm-dương, mà nhờ đó, ông đã giải mã rất nhiều gốc gác của những nhân vật lịch sử qua cách mộ táng.
Nói về đàn anh trong ngành khảo cổ, ông Bùi Chí Hoàng - Phó Viện trưởng Viện KHXH vùng Nam Bộ - nhìn nhận: “Ông Truật là một người giàu đam mê, nhiệt huyết, lăn lộn từ Bắc chí Nam, có công trình nghiên cứu trước và sau 1975 liên tục. Phải nói là thời bao cấp, nghề khổ nhất, vất vả nhất vẫn là khảo cổ học và địa chất mà ông vẫn quyết bám trụ đến cùng. Ngày đưa tiễn ông, cảm động nhất là các thế hệ bạn bè, những người từng trải qua một thời gian khổ như thế đều có mặt gần như đông đủ để nói lời tiễn biệt”.
Lễ viếng nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật từ ngày 3/4 - 6/4, di quan về nghĩa trang TP.HCM ở Củ Chi.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: