Thông tin với báo chí ngày 8/11, Bộ Tài chính nêu 4 nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc người nộp thuế không biết mình nợ thuế hoặc không nhận được thông báo của cơ quan thuế: Người nộp thuế chưa biết cách và nơi tra cứu thông tin thuế; chưa thường xuyên tra cứu; chưa cập nhật kịp thời cho cơ quan thuế những thay đổi thông tin đăng ký thuế như địa chỉ nhận thông báo thuế, email, số điện thoại; không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh.
Để tránh trường hợp ra đến sân bay, cửa khẩu mới biết mình nợ thuế và bị tạm hoãn xuất cảnh, người nộp thuế cần thường xuyên tra cứu nghĩa vụ thuế của mình để có kế hoạch nộp thuế đúng hạn; chủ động cập nhật ngay thông tin với cơ quan thuế nếu có thay đổi về địa chỉ nhận thông báo, địa chỉ email, số điện thoại...
Người nộp thuế cần thường xuyên tra cứu thông tin về nghĩa vụ thuế để tránh nợ thuế. Ảnh: Nam Khánh |
Trường hợp đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, cần liên hệ ngay với cơ quan thuế ban hành thông báo tạm hoãn xuất cảnh để được hỗ trợ, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh.
Hiện có nhiều kênh để cơ quan thuế gửi thông báo nợ, quyết định cưỡng chế thuế, thông báo tạm hoãn xuất cảnh cho người nộp thuế như: Ứng dụng eTax Mobile; tài khoản giao dịch điện tử (thuedientu.gdt.gov.vn); email người nộp thuế đăng ký với cơ quan thuế; thư tín qua địa chỉ nhận thông báo thuế đã đăng ký với cơ quan thuế; trang thông tin điện tử của cục thuế và Tổng cục Thuế.
Về việc cân nhắc bổ sung quy định về mức ngưỡng nợ thuế tối thiểu hợp lý để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, Bộ Tài chính cho biết, Tổng cục Thuế sẽ căn cứ tình hình thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để nghiên cứu, báo cáo các cấp có thẩm quyền cân nhắc quy định ngưỡng nợ phù hợp, vừa đảm bảo hiệu quả công tác thu hồi nợ đọng thuế, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.