Má tôi bệnh nặng, ba đưa má chữa chạy khắp nơi. Đến một ngày, tiền bạc cạn kiệt, ba đưa má về, tự mình chăm sóc.
Má hốc hác vì bệnh tật còn ba gầy rộc vì đồng hành cùng những cơn đau của má. Tinh thần má suy sụp. Có những giữa khuya giật mình thức giấc, tôi nghe má nói qua tiếng nấc “Cho em chết đi”…, có khi là “Anh hãy lấy vợ khác đi”…
Ba có người khác thật, là cô Loan y tá. Từ khi má bệnh, tôi đã quen nhìn thấy cô ra vào nhà mình chích thuốc cho má, dặn dò ba nhắc má uống thuốc đúng giờ. Tôi quen thấy cô ghé lại với túi thực phẩm mới mua, có khi là thức ăn đã nấu sẵn vì “tiện tay nấu giùm”. Tôi quen nghe cô nói vui vui: “Má bị đau nằm một chỗ cả năm rồi mà nhà cửa vẫn ngăn nắp, con cái vẫn học hành nền nếp, ba cháu đáng được phong anh hùng”…
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Quen nhìn thấy những hình ảnh đó nên khi bất ngờ chứng kiến ba và cô trong quán cà phê, một khung cảnh lung linh và tươi tắn làm bật lên gương mặt gầy gò hốc hác của ba tôi, tôi chợt nhận ra, ba cũng cần một bờ vai như má luôn cần ba vậy.
Anh em tôi chấp nhận tình cảnh của gia đình mình một cách hiển nhiên, khi về nhà thì ba tận tình chăm sóc má, còn ra ngoài thì ba đi cùng cô Loan. Mỗi lúc ngồi xoa bóp cánh tay gầy gò của má, tôi xót xa nghĩ, nếu má biết chuyện của ba thì sẽ thế nào? Khi từ trên ban công nhìn xuống, thấy ba chia tay cô Loan ở đầu đường, dáng ba đơn độc đi về tôi lại thấy thương ba quặn lòng.
“Thương ba thì hãy xử sự tốt với cô Loan nghe cháu”, bà nội vừa thở dài vừa thủ thỉ với anh em tôi. Ừ thì tốt với cô Loan cho ba được vui. Là vì ba mà thôi. Rồi thì chập chờn về một ngày không xa, một ngày nào đó cô Loan sẽ chính thức bước vào gia đình tôi… Có vẻ như tàn nhẫn, nhưng sự thật là má không thể qua khỏi, mà ba thì đằng nào cũng phải có một người bên cạnh - bà nội cứ thì thào thủ thỉ - Cô Loan hiền hậu dịu dàng, người như vậy không dễ kiếm, đừng để cô ấy buồn mà bỏ đi.
Ba năm trôi qua, lớn thêm một chút, tôi có người yêu và hiểu ba mình hơn một chút. Tôi tự hỏi tại sao trong tình cảnh trớ trêu như vậy mà cô Loan vẫn tận tâm cùng ba chăm sóc má tôi? Mơ hồ tôi tự trả lời, ba tôi, người đàn ông không dễ tính và không dễ quỵ ngã, có lẽ ba yêu cô là vì vậy chăng?
Bất ngờ, những xét nghiệm cho thấy má tôi đang hồi phục. Niềm hy vọng như cơn gió mát lành thổi vào gia đình tôi, ba vừa cười mừng vui vừa bối rối nhìn cô Loan đang ân cần chích thuốc cho má.
Tôi nhớ lần cuối cùng cô Loan “tiện tay nấu giùm” là một ngày mùa hè. Cô đem đến món cà tím xào. “Ba cháu thích món này lắm”, cô nói “Cà tím xào nêm tía tô thơm hơn là nêm hành cháu à”. Tôi mở nắp gà mên, mùi tía tô dậy lên nồng nàn. “Cháu cũng thích món này lắm”, tôi bật nói và cố nén khóc.
Cô nhìn tôi mắt ngân ngấn nước gượng cười: “Má cháu lành bệnh… thật là may. Cô chuyển công tác xa… Cô chúc cả nhà mình hạnh phúc”.
Tôi muốn ôm choàng lấy cô để nói lời cảm ơn, cảm ơn vì những ngày rất dài vừa qua và cảm ơn về chọn lựa ra đi. Nhưng, tôi sợ sự bộc lộ của mình khiến cô thêm tổn thương, nên cứ đứng yên nhìn theo cho đến khi cô khuất sau ngã tư, nơi hàng đêm cô và ba thường chia tay nhau.
Mãi sau này tôi vẫn tự trách mình, lẽ ra tôi nên ôm cô thật chặt và nói lời cảm ơn. Lẽ ra tôi nên đi cùng cô đến ngã tư, như một bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ.
Và lẽ ra, tôi nên thay ba nói lời xin lỗi cô.