Kể từ ngày 1/7 vừa qua, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko quyết định mở lại chiến dịch quân sự nhằm giành lại quyền kiểm soát tại hai tỉnh miền Đông nước này là Donetsk và Lugansk, vốn nằm trong tay lực lượng ly khai suốt từ tháng 4 vừa qua. Điều này đồng nghĩa với tình trạng căng thẳng leo thang, người dân sống tại đây trong cảnh chiến sự và rất có thể gặp rủi ro, tính mạng bị đe dọa bởi tên rơi đạn lạc.
Cộng đồng người Việt Nam tại Donetsk có khoảng từ 300 đến 400 người cũng cùng chung những rủi ro này. Hiện mới chỉ có khoảng một nửa trong số này đã sơ tán khỏi vùng chiến sự. Số còn lại, chủ yếu là các lao động chính vẫn cố gắng bám trụ, vì tài sản, vì công việc... Đây chính là lý do Chính phủ Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine hết sức lo lắng, và đã lên kế hoạch vận động, hỗ trợ người dân sơ tán tới những vùng an toàn hơn.
Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Minh Trí. |
Phóng viên TTXVN tại Nga đã tới Kiev tìm hiểu tình hình, và đã có cuộc phỏng vấn với Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Minh Trí về công tác sơ tán người Việt khỏi vùng chiến sự. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn được thực hiện chiều 17/7 tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Kiev.
Xin Đại sứ đánh giá đôi nét về tình hình nước sở tại Ukraine, đặc biệt là tại hai thành phố Donetsk và Lugansk, nơi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vừa quyết định mở lại chiến dịch quân sự từ ngày 1/7 vừa qua để giành lại hai thành phố này từ tay quân ly khai?
Trước hết xin cảm ơn TTXVN và dư luận trong nước quan tâm tới tình hình bà con Việt Nam tại Ukraine.
Có thể nói, kể từ cuối năm 2013 đến nay, Ukraine lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị - quân sự sâu sắc. Và đặc biệt từ tháng Ba đến nay, tình hình tại các khu vực miền Đông Ukraine diễn biến hết sức căng thẳng. Nơi đây thực sự đã xảy ra một cuộc xung đột vũ trang trên diện rộng.
Mặc dù đã có những nhóm tiếp xúc gặp gỡ, thương thuyết, mặc dù đã có một thời gian ngắn ngủi ngừng bắn... Tuy nhiên tình hình từ đó đến nay vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng tới cuộc sống cũng như công việc làm ăn của bà con Việt Nam tại đây.
Hiện với nỗ lực của các bên và đặc biệt của chính quyền Ukraine, chúng tôi nhận thấy tình hình đang có những biến chuyển theo chiều hướng tích cực, tuy nhiên những diễn biến chung vẫn khiến dư luận không khỏi lo lắng.
Xin đại sứ đánh giá đôi nét về tình hình người Việt Nam tại hai thành phố Donetsk và Lugansk?
Người Việt Nam tại miền Đông Ukraine, cụ thể là tại Donetsk và Lugansk có khoảng từ 300 đến 400 người. Bà con đến đây chủ yếu theo các hiệp định lao động ký kết từ thời Liên Xô, từ những năm 80-90 của thế kỷ trước. Họ làm việc tại đây, xây dựng gia đình, sinh con và định cư lâu dài tại nước sở tại.
Ngoài ra, còn có một số sinh viên đang học tập tại các trường đại học nơi đây. Số bà con sang theo diện hợp tác lao động giữa hai chính phủ chủ yếu làm việc tại miền Đông Ukraine, như tại Kharkov, Lugansk, Donetsk... Điều kiện lao động của bà con ta tại Ukraine cũng có những đặc thù riêng, không giống như các nơi khác như Liby, Iraq... Bà con ta ở miền Đông Ukraine đã "bén rễ," có tới thế hệ thứ 2, thứ 3.
Họ làm ăn sinh sống tương đối ổn định trong thời gian trước khi Ukraine lâm vào khủng hoảng. Họ có nhà cửa, có công ăn việc làm, con cái học hành. Chính bởi vậy, khi xung đột xảy ra, bà con ta thật khó "dứt áo ra đi," vì còn nhà cửa, còn tài sản, và con cái học hành...
Đây chính là lý do vì sao khi chiến sự leo thang, bà con cũng chỉ dần dần sơ tán con cái khỏi thành phố sang các khu vực lân cận, đến những nơi an toàn hơn hoặc trở về nước. Cho đến những ngày gần đây, khi chiến sự leo thang đặc biệt căng thẳng, bà con ta mới suy nghĩ về việc sơ tán một cách nghiêm túc hơn. Trong thời gian qua, đã có một số bà con lên Kiev sơ tán, và Đại sứ quán đã tiến hành những công việc hết sức cụ thể để giúp đỡ bà con.
Được biết tâm lý chung của người dân là không muốn di dời đi sơ tán. Vậy đại sứ quán đã có biện pháp gì để thuyết phục, tuyên truyền mọi người sơ tán, nhằm bảo đảm tính mạng?
Trước tiên sứ quán đã phải rà soát, tổng hợp tất cả số lượng bà con đang làm ăn tại đây, báo cáo về Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam, xây dựng kế hoạch tổng thể về công tác sơ tán và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch này ngay từ tháng Năm.
Chúng tôi cũng đã quán triệt chỉ thị của Chính phủ và Bộ Ngoại giao, quán triệt nhiệm vụ của cơ quan chức năng là phải bảo đảm an toàn tính mạng người dân. Chúng tôi đã thường xuyên cập nhật tình hình và thông tin tới bà con, nói rõ với bà con về triển vọng tình hình khu vực sẽ hết sức căng thẳng và tiếp tục xấu đi.
Chúng tôi cũng nêu rõ để bà con ta biết rằng Đại sứ quán đã phối hợp với Bộ Ngoại giao Ukraine, Ủy ban di trú Ukraine cũng như ngành giao thông nước này, sẵn sàng phối hợp để đưa bà con từ Donetsk về Kiev an toàn.
Bên cạnh đó chúng tôi cũng phối hợp với các doanh nghiệp, với các gia đình người Việt Nam ở các thành phố lớn như Kharov, Odessa, Kiev hỗ trợ và sẵn sàng giúp đỡ đùm bọc cộng đồng ta lánh nạn... Để từ đó, bà con biết rõ họ có thể đi đến đâu, được hỗ trợ đến đâu... và họ có thể yên tâm di dời đi lánh nạn. Tuy nhiên, bà con ta, những lao động chính vẫn bám trụ, còn các cháu nhỏ đã được bố mẹ đưa sơ tán về Việt Nam, hoặc đến những thành phố khác an toàn hơn.
Vâng, trong trường hợp xấu nhất, nếu tình hình chiến sự còn kéo dài, thì sứ quán có những kế hoạch, hướng giải quyết thế nào để ngoài việc bảo đảm an toàn tính mạng cho người Việt tại đây, còn có thể giúp đỡ bà con ổn định cuộc sống, công việc kinh doanh cũng như bảo toàn tài sản?
Việc tiếp tục định hướng làm ăn cũng như ổn định cuộc sống và lao động của bà con, phụ thuộc cụ thể vào tình hình Ukraine. Chúng ta đã biết Ukraine hiện chủ trương và quyết tâm hội nhập châu Âu. Họ đã ký hai thỏa thuận liên kết kinh tế và chính trị với châu Âu. Để làm được điều này, họ sẽ phải sửa đổi từ 300-400 bộ luật, và điều này chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới người nước ngoài, trong đó có người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại đây.
Bên cạnh đó, bà con ta ở đây chủ yếu là tiểu thương, đi chợ, trong khi mô hình nền kinh tế thị trường châu Âu sẽ không cho phép việc "buôn thúng bán mẹt" kéo dài lâu hơn nữa. Bởi vậy, ngay từ tháng 3 năm nay, chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, tuyên truyền với bà con, để cộng đồng bà con có thể suy nghĩ, định hướng tiếp tục làm ăn trong thời gian khủng hoảng hiện nay, cũng như khi nước này hội nhập sâu hơn và toàn diện hơn với châu Âu.
Chúng tôi cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách, nhà chức trách cũng như các doanh nghiệp lớn của Việt Nam nghiên cứu tình hình sở tại, nghiên cứu cơ sở pháp lý của Ukraine khi nước này gia nhập châu Âu, để có thể có nhận định, định hướng chính xác hơn, thực tế hơn, giúp bà con ta có thể làm ăn tại Ukraine trong triển vọng từ 10-15 năm tới.
Xin cảm ơn Đại sứ đã nhận lời phỏng vấn.