Trong bối cảnh hàng loạt quốc gia châu Âu bắt đầu tuần mới với các biện pháp nới lỏng phong tỏa khi xu hướng dịch COVID-19 giảm dần, khu vực Mỹ Latin với tâm điểm Brazil lại diễn biến phức tạp, với việc lần đầu tiên quốc gia này ghi nhận số ca tử vong trong 1 ngày cao hơn Mỹ.
Lo ngại nguy cơ xảy ra làn sóng COVID-19 thứ 2, giới chuyên gia y tế cảnh báo các quốc gia, những nơi đại dịch đang thuyên giảm, có thể vẫn phải đối mặt với “đỉnh dịch thứ hai ngay lập tức” nếu dỡ bỏ quá sớm những biện pháp phòng chống dịch.
WHO cảnh báo các nước có thể đối mặt với “đỉnh dịch thứ hai ngay lập tức” nếu chủ quan giữa bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp ở một số khu vực trên thế giới. Ảnh: Reuters |
Mỹ vẫn là nước ghi nhận nhiều ca mắc nhất, với hơn 1,7 triệu ca và dự kiến chạm mốc đau thương 100.000 người chết do COVID-19 vào hôm nay (26/5). Diễn biến mới nhất là Brazil lần đầu tiên ghi nhận số ca tử vong trong 1 ngày cao hơn Mỹ và trở thành quốc gia bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nghiêm trọng thứ hai sau Mỹ. Trong khi đó, diễn biến dịch tại châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, song theo con số thống kê đến nay châu lục này chỉ chiếm 1,5% tổng số ca mắc và dưới 0,1% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới.
Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO cho rằng, thế giới vẫn đang ở trong làn sóng bùng phát dịch đầu tiên. Dù số ca mắc đang giảm xuống ở nhiều quốc gia, song tình trạng này lại gia tăng ở các khu vực Trung và Nam Mỹ, Nam Á và châu Phi. Ông cũng cảnh báo tỷ lệ lây nhiễm sẽ có cơ hội gia tăng trở lại nhanh chóng hơn nếu các biện pháp ngăn chặn làn sóng đầu tiên bị dỡ bỏ quá sớm.
“Chúng ta không thể dự báo rằng chỉ vì dịch đang trên xu hướng giảm thì nó sẽ tiếp tục giảm. Chúng ta phải chuẩn bị cho làn sóng thứ 2 với nguy cơ đỉnh dịch thứ 2 sẽ đến nhanh chóng. Hiện các nước tại châu Âu, Bắc Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới như Đông Nam Á phải tiếp tục áp đặt các biện pháp giám sát y tế, xét nghiệm và một chiến lược toàn diện để duy trì xu hướng giảm, đảm bảo chúng ta sẽ không có sớm một đỉnh dịch thứ 2”, ông Ryan nói.
Lo ngại nguy cơ làn sóng thứ hai nên một số nước châu Âu đang quay trở lại cuộc sống bình thường một cách chậm chạp và đầy lo lắng. Giao thông công cộng đang được nối lại mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế. Nga vẫn đang là ổ dịch lớn thứ 2 tại châu Âu nhưng tỷ lệ tử vong ở nước này vẫn ở mức trên dưới 1%, thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu dù số ca mắc vượt trội. Thủ tướng Nga Mikhail Mishutin hôm qua (25/5) thông báo một số nới lỏng các biện pháp phong tỏa nhưng khẳng định vẫn cần phải thận trọng.
“Một người có thể phải trả giá chỉ vì một vài ngày nghỉ. Chúng ta cần loại trừ khả năng dù nhỏ nhất có thể khiến virus quay trở lại nước Nga. Điều quan trọng là phải giữ gìn sức khỏe của bạn. Các bạn nên tính toán điều này khi lên kế hoạch cho các chuyến đi. Tốt hơn và an toàn hơn là dành kỳ nghỉ ở trong nước”.
Nới lỏng một cách thận trọng là điều cần thiết để người dân thế giới sống chung với dịch COVID-19, trong bối cảnh triển vọng tìm kiếm vaccine và phương pháp điều trị hiệu quả sẽ không có sớm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua “tạm thời” đình chỉ các thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc chữa sốt rét hydroxychloroquine để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại một số quốc gia. Quyết định này được xem như một biện pháp đề phòng sau khi có nghiên cứu cho thấy việc sử dụng hydroxychloroquine điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 sẽ dẫn đến các rủi ro khác.
Trong khi đó, cuộc đua bào chế vaccine của thế giới vẫn đang đạt được bước tiến tích cực nhưng theo các chuyên gia y tế, phải đợi đến mùa thu này mới có thể đánh giá được những hiệu quả đầu tiên của các ứng cử viên vaccine và vẫn còn một con đường dài phía trước để vaccine có mặt rộng rãi trên thị trường.