Nguyên nhân nào của Trái đất khiến Sao Biển có thể tuyệt chủng?
Nhiệt độ đại dương ấm lên thúc đẩy sự gia tăng vật chất hữu cơ và vi khuẩn hút oxy trong môi trường sống của Sao Biển. Điều này khiến cho Sao Biển không thể thở được như bình thường.
Thùy Dung
Xem toàn bộ ảnh
Các nhà khoa học đã trình bày chi tiết các trường hợp được gọi là hội chứng suy yếu ở Sao Biển. Căn bệnh này khiến mô của chúng bị phân hủy và cuối cùng là vỡ ra, có thể gây hiện tượng chết hàng loạt. Các đợt bùng phát hội chứng được ghi nhận trong bảy năm qua đe dọa một số loài Sao Biển vốn đã có nguy cơ tuyệt chủng.
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng là do nhiệt độ đại dương ấm lên thúc đẩy sự gia tăng vật chất hữu cơ và vi khuẩn hút oxy trong môi trường sống của Sao Biển, làm cho sao biển không thể thở được như bình thường.
“Con người thở bằng cách đưa không khí vào phổi và đẩy ra. Sao Biển khuếch tán oxy thông qua các cấu trúc nhỏ trên bề mặt được gọi là các nhú gai. Nếu không có đủ oxy xung quanh các nhú này, sao biển sẽ không thể thở được,” Ian Hewson, nhà hải dương học sinh học tại Đại học Cornell và một trong những tác giả của nghiên cứu mới, cho biết.
Sao Biển sống trong những môi trường thiếu oxy sẽ bị suy hô hấp và các tổn thương đặc trưng của hội chứng suy yếu ở sao biển sẽ phát triển. “Đó là một loạt các vấn đề bắt đầu từ những thay đổi của môi trường,” Hewson nói.
Có khoảng 2.000 loài Sao Biển sống trong các đại dương trên khắp thế giới, từ môi trường nhiệt đới đến những vùng biển lạnh. Loài sao biển năm cánh là phổ biến nhất, giống như tên gọi của chúng, nhưng cũng có những loài có 10, 20 hay thậm chí là 40 cánh tồn tại.
Sao Biển được bao phủ bên ngoài bởi một lớp da gai, bên trong là khung xương rất cứng giúp bảo vệ chúng khỏi những kẻ săn mồi. Bên cạnh đó, những màu sắc sặc sỡ mà chúng sở hữu cũng là một lớp ngụy trang hoàn hảo và đe dọa những kẻ có ý định tấn công.
Là một động vật biển thuần túy, thế nên không có gì là lạ khi Sao Biển không sống trong môi trường nước ngọt và chỉ một số ít sống trong môi trường nước lợ.
Ngoài hình dáng đặc biệt của mình, Sao Biển còn nổi tiếng với khả năng tái tạo các phần cơ thể và trong một số trường hợp, chúng có thể tái tạo lại toàn bộ cơ thể. Chúng làm được điều này bằng cách cất giấu hầu hết hoặc toàn bộ các cơ quan quan trọng của chúng trong cánh sao và với điều kiện những cơ quan trung tâm trên cơ thể phải còn nguyên vẹn.
Tuy nhiên, một số loài có thể tái tạo lại toàn bộ cơ thể chúng chỉ bằng một phần nhỏ chân hoặc tay bị đứt lìa.
Phần lớn Sao Biển đều có khả năng đặc biệt đó là tiêu hóa con mồi bên ngoài cơ thể. Chúng sử dụng những ống chân nhỏ xíu để mở vỏ trai hoặc hàu rồi sau đó đẩy dạ dày ra khỏi miệng và luồn vào bên trong con mồi. Tiếp đó chúng sẽ tóm lấy và tiêu hóa con mồi, rồi cuối cùng thu dạ dày trở lại cơ thể.
Sao Biển có một con mắt trên mỗi đầu cánh nhưng chúng lại không thể phân biệt được màu sắc.