Số liệu này chỉ tính dựa trên những ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2019, còn lại một số nhà băng chưa công bố như DongABank, PVCombank, và SCB.
Tại thời điểm 30/9/2019, tổng tiền gửi khách hàng của 31 ngân hàng là hơn 5,76 triệu tỷ đồng. |
Trong đó, BIDV là ngân hàng duy nhất với lượng tiền gửi của khách hàng đạt mốc hơn 1,08 triệu tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu kỳ.
Đứng sau chính là Vietcombank với 902.184 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng khá nhất trong 3 ngân hàng trên sàn chứng khoán thuộc Nhà nước với 12,5%. Còn Vietinbank chỉ khiêm tốn tăng 4,8%, lên mức 865.466 tỷ đồng.
Đó là 3 gương mặt đình đám nhất trong việc thu hút tiền gửi của khách hàng dù top đầu này không phải là những ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi cao nhất. BIDV, Vietcombank, Vietinbank luôn giao động mức lãi suất tiền gửi trong khoảng cao nhất là 6,8-7% đối với kỳ hạn 36 tháng.
Tổng tiền gửi khách hàng của 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính là hơn 5,76 triệu tỷ đồng |
Còn lại ở chiếu dưới dù có nhiều chương trình ưu đãi lãi suất cao hơn nhưng con số thu về vẫn cách khá xa top 3 này.
Mặc dù đang trong giai đoạn tái cơ cấu, xử lý đống nợ xấu từ những năm trước để lại, song Sacombank trong mắt khách hàng vẫn là nhà băng có thể tin tưởng được nên mức tiền gửi tại thời điểm cuối tháng 9 tăng khá hơn 14,3%, lên mức 399.369 tỷ đồng.
Dù từ đầu năm 2019 đến nay, BacABank là nhà băng luôn có mức lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn đều cao hơn so với các nhà băng khác (mức cao nhất là 8,3%) nhưng tốc độ tăng ở tiền gửi khách hàng không cao, chỉ hơn 4%, khi đạt 75.679 tỷ đồng.
ACB cũng có mức tăng hơn 10%, đạt 298.007 tỷ đồng lượng tiền gửi của khách hàng. Và đứng cuối bảng về thu hút tiền gửi khách hàng chính là Saigonbank khi chỉ nhích nhẹ 0,16% so với đầu kỳ 14.701 tỷ đồng. Đây cũng là ngân hàng có mức tăng tệ nhất trong nhóm.
Còn xét về góc độ tăng trưởng mạnh nhất phải kể đến VIB với mức tăng tới 34% để lọt vào top những ngân hàng có lượng tiền gửi khách hàng đạt trên 100 ngàn tỷ đồng.
Hay NCB cũng tăng 23,74% với 58.342 tỷ đồng; rồi Maritime Bank tăng 21,74% khi đạt 77.342 tỷ đồng; và VPBank 20,33%, với 205.654 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu tài chính chi tiết của 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2019 (đvt: tỷ đồng) |
Hiện nay, ngân hàng có lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng là SHB với lãi suất 8,9%. Đứng thứ hai là ngân hàng SCB với lãi suất 8,66%. Thứ ba là ngân hàng ABBank với lãi suất là 8,5%.
NamABank thì có mức lãi suất là 8,3% cho kỳ hạn 12 tháng; Vietbank và TPBank cùng có mức lãi suất là 8,2%. Ở mức lãi suất 8% ở kỳ hạn 12 tháng thì có các ngân hàng như BaoVietBank, NCB, PVCombank, VietCapitaBank. Các ngân hàng như BacABank, Eximbank, Oceanbank công bố mức lãi suất là 7,9%.
Điều đáng nói, lãi suất huy động mà các ngân hàng đưa ra khá hấp dẫn, nhưng đối tượng khách hàng được hưởng mức lãi suất cao không nhiều. Bởi với mức lãi suất đó, khách hàng phải đáp ứng điều kiện là gửi số tiền lớn và thời hạn dài kỳ với khách hàng cá nhân.
Đơn cử như tại SHB, để hưởng lãi suất 8,9% khách hàng phải gửi trên 500 tỷ đồng và lãnh lãi cuối kỳ; còn SCB với lãi suất 8,66% thì khách phải gửi ít nhất 10 tỷ đồng. Hoặc nếu muốn hưởng lãi suất 8,2% kỳ hạn 12 tháng ở TPBank, đòi hỏi khách hàng gửi ít nhất 100 tỷ đồng và cam kết không rút trước hạn.
Tương tự, mặc dù niêm yết lãi suất 8%, kỳ hạn 12 tháng nhưng ngân hàng VietCapitalBank đòi hỏi khách phải gửi online, PVCombank yêu cầu khách hàng gửi ít nhất 500 tỷ đồng.
Do đó, không phải cứ tung ra lãi suất cao là thu hút được nhiều khách hàng cũng như nguồn tiền vào. Bởi nó có phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ thương hiệu ngân hàng, điều kiện hưởng lãi suất...