Nhà chưa chung, tình đã chia

Lý do Giang đưa ra, có người cho là cầu toàn, nhưng ngẫm lại, điều khiến Giang chần chừ không phải không có lý!

Nhà ở thành phố xây xong, mọi thứ coi như đã sẵn sàng, từ chỗ ở đến chỗ làm việc thuận lợi, vậy mà Giang cứ chần chừ không chịu chuyển về để sống với chồng sau hơn 2 năm mỗi người công tác mỗi nơi.

Cha mẹ ruột Giang càng lo hơn khi công việc đang chờ Giang khá tốt, phải nhờ mối quan hệ bạn bè thân tình ông bà mới xin được cho con. Lý do Giang đưa ra, có người cho là cầu toàn, nhưng ngẫm lại, điều khiến Giang chần chừ không phải không có lý!

Giang và Tuấn yêu nhau 5 năm mới đi đến hôn nhân khi công việc làm của Tuấn bắt đầu thuận lợi. Tuy nhiên, bởi muốn có ít vốn liếng và quan trọng là lo cho sự nghiệp riêng, Giang và Tuấn đành chấp nhận cảnh vợ chồng Ngâu!

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Cưới xong, Giang vẫn ở nhà cha mẹ ruột và đi làm cơ quan cũ, Tuấn nhận làm đại diện cho một Văn phòng công ty nước ngoài ở thành phố. Ba mẹ Giang có mình cô là con gái nên rất thương. Giang sinh con, một tay bà chăm sóc. Ông ngoại đã về hưu ở nhà ẵm bồng, nên bé không phải đi nhà trẻ. Thậm chí, Giang không có sữa, ông bà “bao cấp” luôn việc mua sữa cho cháu. Ông nói với bà: “Để chúng nó dành dụm tiền”. Hàng ngày Giang chỉ có đi làm, về nhà chơi với con… Hai tuần một lần, Tuấn lại về thăm… Hai năm trôi qua, Tuấn đủ tiền mua một miếng đất ở thành phố, hai vợ chồng bàn chuyện cất nhà. Ba mẹ Giang biết vợ chồng con gái thiếu tiền, ông bà cho thêm gần một nửa.

Nhà làm xong, Giang chưa kịp tính toán sẽ sắp xếp bài trí ra sao để khi cô chuyển vào ở cho thuận tiện thì một lần đi công tác ghé ngang, Giang ngỡ ngàng thấy nhà mới của cô đông đúc gia đình chồng gồm mẹ chồng, anh chồng và hai cô em gái từ miền Trung vào ở. Vào nhà, Giang như người ở trọ, đồ đạc để khép nép một góc phòng, đi đứng, nói năng không thoải mái, muốn góp ý kiến chỗ này chỗ kia cũng ngại! Tuấn giải thích với Giang rằng, vì phải đi công tác thường xuyên, nhà vắng, anh nhờ mẹ vào coi nhà. Mấy anh em của Tuấn ở tạm rồi sẽ dọn đi khi Giang vào ở hẳn.

Tin lời Tuấn, nhưng Giang vẫn thấy buồn. Càng buồn hơn khi dạo sau này, Tuấn đưa tiền cho Giang rất ít mà theo lời Giang nói “không đủ tiền sữa hàng tháng cho con”. Vì tự ái, Giang không nói ra, nhưng cô cảm thấy hố ngăn cách giữa cô và chồng ngày càng lớn, nhất là khi Giang biết được lương của Tuấn rất cao. Mâu thuẫn lên tới cao trào là khi Giang nghe có người bên chồng nói rằng, ngôi nhà đó là nhà riêng của Tuấn và mẹ chồng Giang, anh em bên chồng vào ở để giữ nhà!

Giờ đây, Giang biết, nếu vào thành phố làm việc thì chắc chắn là Giang sẽ phải làm dâu và chịu… lép vế. Đó là điều Giang không thích. Căn nhà ấy có tiền đóng góp của cha mẹ Giang. Vả lại, nếu sống cùng gia đình chồng, Giang sẽ phải bảo bọc hết từng ấy người vì mẹ Tuấn luôn nhắc nhở: “Thằng Tuấn nó làm có tiền, nó phải cưu mang anh em!”.

Cuối cùng, Giang từ chối công việc do cha mẹ cô xin, có nghĩa là cô từ chối luôn việc đoàn tụ với chồng. Giang nghĩ, ở nhà mẹ còn hơn vào đó, đi làm cực nhọc mà lại phải chịu tiếng bấc, tiếng chì. Cô hiểu rõ, tánh mẹ Tuấn không rộng lượng, các em chồng lại hay xét nét chị dâu, nhất là những chuyện liên quan đến tiền bạc.

Trong khi đó, khác với suy nghĩ của Giang, Tuấn coi việc đưa tiền nhỏ giọt hàng tháng cho Giang là chuyện bình thường, bởi anh nghĩ, ông bà ngoại có thể bao cấp được cho Giang, còn anh, ngược lại rất… nặng gánh vì phải lo cho mẹ, anh và hai em. Thậm chí, Tuấn còn chưa muốn Giang chuyển công tác nữa!

Câu chuyện vợ chồng Giang – Tuấn chưa có hồi kết. Rồi họ sẽ giải quyết ra sao, tiền bạc và mối quan hệ gia đình chồng có làm rạn nứt tình yêu của họ hay không, không ai dám tiên đoán; nhưng giờ đây, thấy Giang ngày càng buồn và chán! Những lần Tuấn về thăm con, Giang lại thấy có gì gợn gợn, không vui. Giang cứ hối tiếc hoài, biết vậy hồi đó đừng cất nhà. Thà để tiền đó, nhẹ gánh ở với mẹ như hồi con gái, tới đâu hay tới đó.

Còn nữa, bố mẹ Giang, tuy không nói ra, nhưng chắc hai ông bà cũng buồn lắm!

Chia tay trong ngỡ ngàng

Trong mắt người xung quanh, họ là những cặp đôi hoàn hảo, nhưng bất ngờ, họ lại tuyên bố chia tay.

Trong mắt người xung quanh, họ là những cặp đôi hoàn hảo khi có tất cả những điều mà mọi người mơ ước: học vấn, địa vị, tiền bạc nhưng bất ngờ, họ lại tuyên bố chia tay.

Gần 0 giờ, nghe chuông điện thoại reo, tôi bật dậy. Đầu kia là tiếng thút thít của chị Hương: “Xin lỗi, chị biết trễ lắm rồi nhưng không gọi cho em, chị không biết gọi ai. Anh chị sẽ ly hôn”. Tôi nghe mà giật mình vì trong mắt tôi, vợ chồng chị là cặp đôi kiểu mẫu khiến nhiều người mơ ước.

Lỗi tại ai?

Vợ chồng chị Hương cùng là bác sĩ, từng đi tu nghiệp ở nước ngoài về. Anh Bình, chồng chị, là trưởng khoa của một bệnh viện ở quận Phú Nhuận; còn chị cũng là trưởng phòng khám tư tại quận 1, TP HCM. Chưa đầy 40 tuổi, anh chị đã có trong tay nhiều thứ mà mọi người mơ ước: tiền bạc, địa vị và một đứa con xinh xắn. Bất ngờ, Hương muốn ly hôn vì “anh chẳng còn quan tâm đến chị nữa”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Vì công việc nên cả hai rất bận rộn với lịch làm việc, trực bệnh viện, tiếp bệnh nhân, dự hội thảo, đi giảng, học nâng cao trình độ… Vì thế, bữa cơm gia đình rất hiếm diễn ra trong gia đình anh chị vì giờ giấc trái ngược nhau, ai tiện đâu ăn đó, con cái cũng ăn hàng quán cùng cha mẹ. Mọi chuyện vẫn êm đẹp cho đến khi Hương bị đau đầu gối, phải phẫu thuật.

“Ngày chị phẫu thuật, anh cũng đi trực ở bệnh viện, vào thăm một lát lại mất hút. Đến lúc chị được về nhà, anh qua phòng con ngủ cũng chẳng thăm hỏi xem vợ có hết đau chưa, ăn uống như thế nào? Thủ tục, viện phí, ăn uống… trong suốt thời gian phẫu thuật chị đều trông cậy vào bạn bè và mấy đứa cháu chứ anh cũng không quan tâm. Vậy thì vợ chồng sống với nhau làm gì hả em?” - giọng chị buồn buồn.

Tôi phải chờ sáng hôm sau để đến gặp anh Bình. Anh cũng buồn bã không kém. “Em biết tính Hương rồi, cái gì cũng tự quyết định theo ý mình. Anh sắp xếp gì, Hương có nghe theo đâu! Cả việc ly hôn, cô ấy cũng tự quyết chứ anh nào muốn”.

Tôi ra về mà lòng nặng nề, tiếc nuối cho một cặp đôi hoàn hảo.

Thiếu sự kết nối

Bà Nguyễn Thị Tâm An, Chủ nhiệm CLB Xây dựng Gia đình hạnh phúc TP HCM, cho biết tỉ lệ ly hôn tại TP ngày càng tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn: xuất hiện người thứ 3, mâu thuẫn về tiền bạc, vợ chồng kiểm soát lẫn nhau, không còn quan tâm nhau, quan hệ vợ chồng “lệch pha”, thay đổi địa vị, lối sống…

Đặc biệt, một nguyên nhân ly hôn khá phổ biến của nhiều gia đình hiện nay là thiếu sự kết nối giữa vợ và chồng. Đây không phải là vấn đề trò chuyện mà là sự thông cảm, thấu hiểu lẫn nhau. Rất nhiều cặp vợ chồng cũng thường xuyên hàn huyên, trò chuyện nhưng không có sự kết nối.

Bà Tâm An kể bà từng tư vấn cho trường hợp chia tay của một “cặp đôi vàng” V. và T. (ở quận 3, TP HCM) một thời được mọi người ngưỡng mộ. T. và V. đều là trai tài, gái sắc, sinh ra trong gia đình giàu có. Họ học chung lớp, yêu nhau từ năm lớp 12 và là đôi bạn cùng tiến trong học hành. Cuộc tình của họ được bạn bè, thầy cô ngưỡng mộ, gia đình hai bên vun đắp.

Sau khi tốt nghiệp đại học, V. sang Anh học thạc sĩ báo chí 3 năm. V. vừa về nước thì T. cũng lên đường sang Úc du học ngành công nghệ thông tin. Sau khi T. về, họ cưới nhau. V. và T. được gia đình hai bên hỗ trợ mua nhà và họ sinh được cô công chúa xinh xắn. Ai nhìn vào gia đình họ cũng ngưỡng mộ vì sự đẹp đôi, tài sắc và hạnh phúc. Thật bất ngờ, họ lại thông báo đường ai nấy đi khi T. muốn phát triển sự nghiệp ở nước ngoài, V. cũng không muốn bỏ công việc giảng dạy tại trường đại học của mình. Họ chia tay vì chẳng ai muốn nhường ai.

“Nhà chung” sau ly hôn

Cả hai không có chỗ ở mới cũng chẳng có khả năng ra ngoài thuê trọ, nên cuối cùng họ vẫn phải “chung nhà” dẫu chính thức ly hôn.

Sau bao nhiêu năm gồng mình chịu đựng, chị quyết định ly hôn, chấm dứt năm tháng đau khổ bên người chồng gia trưởng, độc đoán... Ngày ra tòa, anh ta nói không có chỗ ở mới cũng chẳng có khả năng ra ngoài thuê trọ. Về phía chị cũng thế nên cuối cùng họ vẫn phải “chung nhà” dẫu chính thức ly hôn.

Ly hôn xong, anh gọi thợ vào làm một vách ngăn chia đôi căn hộ 40 mét vuông. Một cánh cửa khác được mở ra, bên này chị đổi khóa cửa cũ. Họ chính thức tách khỏi nhau, khẳng định chủ quyền riêng. Hàng ngày chị đưa đón con tới trường rồi đến cơ quan. Về nhà, mẹ con ăn uống ngủ nghỉ không bị gò bó, chạy theo sở thích độc đoán của anh như trước đây. Bên kia, anh ngày ba bữa cơm bụi, sáng đi làm với bộ đồ nhàu nhĩ, tối khuya mới về nhà. Cuộc sống của hai người thay đổi thấy rõ, duy chỉ có con bé vô tư với thói quen cũ. Nó cứ chạy từ “nhà mẹ” sang “nhà bố” líu lo, bắt bố vẽ tranh, kể chuyện, đưa đi chơi. Trong mắt chị cảnh ly hôn nhưng vẫn chung nhà ấy ít ra cũng giúp con cái không phải chịu cảnh bố mẹ mỗi người một nơi.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Hai năm trôi qua, chị tìm được người đàn ông cùng cảnh ngộ yêu thương mình. Ngày đầu tiên dẫn người đó về nhà, chị nóng mặt khi “nhà bên” xuất hiện những tiếng động lạ, rồi tiếng chồng cũ gắt gỏng gọi con bé sang. Hôm ấy, anh ta dẫn con đi từ sáng đến tối khuya mới về mặc chị đứng ngồi không yên. “Lần sau anh đưa con về sớm…”, chị đón con bé đang ngủ gật gắt lên. “Về sớm để cho nó nhìn thấy cô hú hí với giai à”- anh ta hằn học. Chị ngỡ ngàng, đêm đó chồng cũ say rượu chửi đổng đến gần sáng. Cứ thế những ngày sau, mỗi lần thấy bóng người mới của chị đến là “nhà bên” lại vang lên đủ thứ âm thanh… cho đến một ngày, chị nhận được điện thoại của người mới. “Anh xin lỗi, chuyện tình cảm của chúng mình chắc không có kết quả…”. Tìm hỏi rõ ngọn ngành chị mới biết, chồng cũ yêu cầu anh chấm dứt chuyện tìm hiểu vì “vợ chồng tôi đang có ý định tái hợp lại”.

Lần thứ hai đón nhận tình cảm mới, chị nói hết hoàn cảnh. Người mới hứa sẽ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, kể cả rào cản từ “gã hàng xóm” đặc biệt. Biết người mới của chị “vô sản” vì khi ly hôn đã để lại hết tài sản cho vợ cũ nuôi con, chồng cũ mỉa mai “tưởng cô tìm thằng nào hơn tôi chứ…”. Người mới cũng nhận rõ sự bất cập của cuộc sống “nhà chung nhưng tình riêng” bàn với chị chuyển ra ngoài sống nhưng chị chần chừ. Chi phí ra ngoài thuê trọ khá đắt đỏ, vả lại sợ chuyển đi rồi phần tài sản này biết đâu sẽ bị chồng cũ chiếm luôn. Mặt khác, tình cảm của đứa con đối với bố quá khăng khít nên chị không nỡ chia rẽ… Thế là họ đành chấp nhận sống như vậy vài năm để dành dụm tiền “mua lại” nốt “nhà anh”. Thống nhất là vậy nhưng khi chuyển về sống chung, chị cảm nhận rõ sự cam chịu của chồng khi sống cảnh “chung nhà” với bố con bé.

Đêm nằm nghe tiếng hàng xóm say rượu văng tục bên kia bức vách, anh thở dài rồi nói. “Anh quyết định xin đi làm dự án ở bên Lào. Sau vài năm, anh sẽ kiếm được một số tiền kha khá để mua một căn hộ trả góp giá rẻ. Anh muốn mẹ con em được sống thoải mái hơn”. Chị ngập ngừng: “Trong thời gian anh đi, em cho thuê lại nơi này rồi tìm thuê một chỗ khác bên ngoài nhé. Em sẽ sắp xếp cho nó về thăm bố thường xuyên là được”. Tìm được giải pháp, chị thấy mình nhẹ lòng. Ngày mai, chị sẽ đăng tin cho thuê nhà.

Tin mới