Tháng 11 ghi nhận nhiều kỷ lục của thị trường chứng khoán Việt Nam. VN-Index đã có những nhịp điều chỉnh giảm mạnh nhất thế giới thủng đáy 900 về vùng 880 điểm trong phiên 16/11. Nhưng sau đó lại tăng trưởng mạnh trong 5 phiên cuối tháng 11 tiến lên vùng 1.048 điểm.
Theo đó, VN-Index đã lấy lại 137 điểm (tăng hơn 15%) so với mức đáy hồi giữa tháng 11. Mức giảm từ đầu năm theo đó thu hẹp đáng kể từ trên 40% xuống còn 30%.
Động lực quan trọng nhất đến từ khối ngoại với lực mua bất ngờ xuất hiện khi thị trường rơi về đáy ngắn hạn. Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 16.000 tỷ đồng chỉ trong tháng 11.
Đặc biệt là trong phiên 11/11, khối ngoại mua ròng đột biến trên cả 3 sàn với tổng giá trị hơn 2.544 tỷ đồng. Đây cũng là phiên khối ngoại mua ròng mạnh nhất trong hơn 1 năm qua.
Nếu xét theo từng sàn, khối ngoại mua ròng 15.975 tỷ đồng trên HoSE, mua ròng 780 tỷ đồng trên HNX và rót ròng 156 tỷ đồng trên UPCoM.
Diễn biến các mã cổ phiếu được khối ngoại mua/bán ròng. |
Dòng tiền ngoại mua ròng mạnh nhất VHM, giá trị mua ròng đạt 1.727 tỷ đồng. Lực mua của khối ngoại giúp VHM hồi phục mạnh lên mức 54.500 đồng/cp, tương ứng lấy lại gần 26% sau khoảng 19 phiên giao dịch.
Xếp sau đó là STB hút ròng 1.320 tỷ. Các mã khác cũng được mua ròng trên nghìn tỷ đồng là KDH, HPG, SSI và MSN.
Ở phía ngược chiều, nước ngoài cũng bán ròng mạnh một số cổ phiếu trong tháng 11 như HPX, PNJ, NVL, DXG, FPT, KDC, .... trong đó 3 cổ phiếu bất động sản là HPX, PNJ, NVL chịu ảnh hưởng của việc giá cổ phiếu sụt giảm mạnh do nhà đầu tư bị buộc phải bán giải chấp.
Động lực nào khiến khối ngoại gom hàng?
Tại Talkshow “Phố Tài chính”, bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Phân tích, Chứng khoán VNDirect (VND) cho rằng mọi năm tháng 11 là thời điểm các quỹ hay các nhà đầu tư lựa chọn nhìn lại và cơ cấu danh mục của mình.
Bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Phân tích, Chứng khoán VNDirect. |
Nguyên nhân là bởi hết quý 3 phần lớn những diễn biến của nền kinh tế trong năm đã được phản ánh và nhà đầu tư chuẩn bị các phương án cho năm sau. Tuy nhiên năm nay bối cảnh kinh tế còn nhiều áp lực về lãi suất, tỷ giá và tổng cầu giảm khiến các nhà đầu tư còn những thận trọng.
Về dài hạn thị trường đã phản ánh phần lớn những khó khăn của nền kinh tế và có mức chiết khấu sâu khiến giá của nhiều doanh nghiệp tốt trở nên hấp dẫn. Điển hình như giai đoạn này các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã bắt đầu có động thái cơ cấu lại danh mục và mua ròng trên thị trường thay vì bán ròng như giai đoạn trước.
Gần đây ETF Fubon – một trong số những ETF lớn đầu tư vào Việt Nam, họ có thông báo sẽ huy động khoảng 4.000 tỷ để tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam. Chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhìn được thời điểm này tài sản trên thị trường chứng khoán đã trở nên rất rẻ và bắt đầu giải ngân”, chuyên gia chia sẻ.
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI. |
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI cũng đã có những chia sẻ về việc mua ròng của các quỹ ETF như DCVFM VN Diamond ETF, Fubon FTSE Vietnam ETF trong thời gian vừa qua tại chương trình "Bí mật đồng tiền" ngày 30/11.
Ông Hưng cho rằng đây là điều dễ hiểu bởi khi thị trường giảm nhiều đã khiến hàng loạt cổ phiếu bị chiết khấu xuống mức định giá rẻ hơn. Mức độ mua ròng của quỹ Fubon tính từ đầu năm đến nay khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó trong tháng vừa qua là khoảng 2.500 tỷ đồng mặc dù giá trịchứng chỉ quỹ của quỹ này tính đến ngày 29/11 giảm khoảng 36, 37% so với đầu năm.
Ông Hưng chia sẻ trước đây, các nhà đầu tư Thái Lan hay Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam vì thị trường Việt Nam là lựa chọn tốt của họ trong thời điểm đó, nhưng khi phát hiện ra lựa chọn tốt hơn thì họ sẽ rút vốn, ví dụ có thời điểm Hàn Quốc thích thị trường Brazil hơn nên đã rút vốn khỏi Việt Nam.