Theo nhiều nguồn tin, Thanh tra Chính phủ ban hành về việc bổ sung kế hoạch thanh tra năm 2023, trong đó có việc thanh tra cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại Tổng Công ty Đầu tư Phát triển DIC (DIG).
Ở diễn biến mới nhất, Tổng Công ty Đầu tư phát triển DIC có báo cáo về tình hình sử dụng vốn thu được đã kiểm toán từ đợt phát hành chứng khoán riêng lẻ tăng vốn điều lệ thêm 750 tỷ đồng giai đoạn 07/10/2021-31/1/2023, trong giai đoạn từ 16/9-7/10/2021, DIG đã chào bán 75 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 20.000 đồng/cổ phiếu, huy động được 1.500 tỷ đồng. Trừ chi phí phát hành 143 triệu đồng, tổng thu ròng từ đợt phát hành khoảng 1.499,9 tỷ đồng.
DIG bị phản ứng tiêu cực trước thanh tra thuế. |
DIG dự kiến dùng toàn bộ số tiền huy động 1.499,9 tỷ đồng trên để đầu tư Dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu, phường 12, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tuy nhiên, sau đó, Công ty điều chỉnh kế hoạch sử dụng vốn khi chỉ đầu tư gần 750 tỷ đồng vào dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu.
Số tiền còn lại 749,9 tỷ đồng dùng để thanh toán khoản tiền còn thiếu cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tân Long.
Tính tới ngày 31/1/2023, DIG đã giải ngân toàn bộ 749,9 tỷ đồng để thanh toán khoản tiền còn thiếu cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tân Long và giải ngân hơn 498,7 tỷ đồng vào dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu. Như vậy, số tiền còn lại chưa giải ngân hơn 251,2 tỷ đồng.
Ngày 23/2, DIG đã thông qua nghị quyết HĐQT điều chỉnh thời gian chào bán 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá 15.000 đồng/cp từ quý 1/2023 sang quý 2-3/2023, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp giấy chứng nhận chào bán. Toàn bộ số vốn thu được dự kiến là 1.500 tỷ đồng được sử dụng cho đầu tư Dự án Khu đô thị du lịch Long Tân.
Trước thông tin tiêu cực trên, cổ phiếu DIG nhanh chóng nằm sàn về mức 12.600 đồng/cp mở phiên đầu tháng 3 với dư bán hơn 5 triệu đơn vị sau phiên ATO.
Cổ phiếu DIG giảm sàn phiên đầu tháng 3. |
Lợi nhuận lao dốc và dòng tiền âm kỷ lục năm thứ tư liên tiếp
Luỹ kế trong năm 2022, DIC Corp ghi nhận doanh thu đạt 1.909 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 144 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2022, DIC Corp đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.900 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 196,99 tỷ đồng, Công ty đã không hoàn thành kế hoạch và chỉ đạt 10% kế hoạch lợi nhuận năm, cách rất xa kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông giao cho Ban lãnh đạo.
Bên cạnh kinh doanh lao dốc, dòng tiền tiếp tục âm năm thứ 4 liên tiếp. Cụ thể, trong năm 2022, dòng tiền kinh doanh chính ghi nhận âm 2.531 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 801 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận dương 2.951 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận 1.174 tỷ đồng, chủ yếu trả bớt nợ vay.
Được biết, từ khi niêm yết (năm 2009) tới nay, chưa năm nào DIC Corp báo cáo dòng tiền kinh doanh chính âm vượt 2.531 tỷ đồng. Trong đó, 3 năm gần đây, Công ty liên tục duy trì mô hình thâm hụt dòng tiền, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2019 ghi nhận âm 245 tỷ đồng, năm 2020 ghi nhận âm 504 tỷ đồng và năm 2021 ghi nhận âm 1.966 tỷ đồng.
Như vậy, DIC Corp đã trải qua 4 năm thâm hụt dòng tiền kéo dài, Công ty phải tăng vay nợ và sử dụng quỹ tiền mặt để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.