Nhà ga T2 Nội Bài - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài được dư luận gọi đùa là là nhà ga T2 Nội Bài "dát vàng" vì có tổng vốn đầu tư lên đến 900 triệu USD, được coi là nhà ga sân bay lớn và hiện đại nhất Việt Nam, công suất dự kiến đạt 10-15 triệu hành khách/năm.
Một lãnh đạo của hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết: “Việc nhà ga mới T2 Nội Bài được đưa vào khai thác mang một ý nghĩa quan trọng đối với Vietnam Airlines, nhất là khi hãng đang nỗ lực triển khai các chương trình xây dựng chất lượng sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 sao vào năm 2015” .
Để thấy được tầm quan trọng của sự kiện này, Kiến Thức có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Trần Đình Bá – một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành hàng không.
Nhà ga sân bay T2 Nội Bài. |
- Ông có cảm xúc gì khi hàng không nước nhà vừa có thêm một nhà ga hàng không hiện đại tầm cỡ quốc tế?
Tôi mừng vì sắp sang năm mới 2015, Việt Nam đã khánh thành thêm một công trình kiến trúc tầm cỡ khu vực và quốc tế. Hàng không là biểu tượng của quốc gia về vị thế chính trị, tiềm lực kinh tế, tiến bộ khoa học công nghệ... Nhà ga hàng không quốc tế cũng là cửa ngõ để Việt Nam mở cửa đón bạn bè và giao lưu quốc tế, vì vậy cần phải khang trang sạch đẹp và hiện đại. Hơn nữa, việc đưa nhà ga T2 Nội Bài hiện đại vào khai thác sẽ góp phần giảm tải cho nhà ga quốc nội.
Song bên cạnh niềm vui thì còn có nỗi lo lớn về vấn đề quản lý và khai thác nhà ga hàng không quốc tế này có hiệu quả hay không, có đáp ứng được khát vọng “cất cánh" cho hàng không nước nhà hay không !?
- Cụ thể, ông lo về điều gì, thưa ông?
Tôi e ngại nền hàng không nước nhà chưa tương xứng với tầm vóc của sân bay này. Ngành hàng không nước ta đang tụt hậu gần top cuối trong khu vực ASEAN. Song tôi có cảm giác ta lại không ham cải tiến quản lý sản xuất, nâng cao trình độ; không chịu đầu tư vào phương tiện và con người mà lại chuộng xây sân bay và nhà ga hàng không hơn. Sau kiến nghị xây sân bay Long Thành, giờ đây lại là nhà ga hiện đại với vốn đầu tư lên tới 900 triệu USD này.
Số tiền này lớn lắm, nếu làm tròn thì có thể gọi là tầm cỡ “nhà ga hàng không tỷ đô" hay như dư luận đang gọi đùa là nhà ga sân bay "dát vàng" vậy. Vốn đầu tư của nó gấp 3 lần Tân Sơn Nhất (260 triệu USD) và gấp tới 14 lần sân bay Đà Nẵng (70 triệu USD).
Nếu tính tỷ suất đầu tư cho 1 triệu hành khách/năm thì nhà ga T2 Nội Bài rất cao, tới 60 triệu USD/1 triệu hành khách, so với Tân Sơn Nhất chỉ 17 triệu USD, Đà Nẵng 12 triệu USD/1 triệu hành khách.
Chi phí đầu tư quá cao như thế làm phát sinh thêm nỗi lo là sân bay “tỷ đô" này sẽ chồng chất “gánh nợ” ODA cho hãng hàng không quốc gia khi mà Vietnam Airlines vốn chủ sở hữu chỉ có hơn 10.000 tỉ đồng và hiện số nợ lên đến gần 59.000 tỉ đồng (trong đó nợ ngắn hạn là hơn 26.500 tỷ và dài hạn là hơn 32.000 tỷ đồng. Số nợ này theo tôi là quá lớn.
- Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam và Vietnam Airlines thì lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang ngày càng tăng và hiện quá tải nghiêm trọng ở các sân bay quốc tế?
- Theo tôi, họ đã hơi chủ quan. Theo số liệu của Tổng cục thống kế công bố vừa qua thì lượng khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng trong năm 2014 chỉ là 6 triệu hành khách, như vậy cả năm chỉ mới khoảng 7 triệu khách quốc tế qua các phương tiện giao thông. Tính ra, lượng khách quốc tế qua đường hàng không chỉ khoảng 5-6 triệu. Sân bay quốc tế Nội Bài mỗi ngày cao nhất chỉ 15-25 chuyến bay quốc tế xuất nhập cảnh và quá cảnh trong khi vốn vay để làm sân bay phải trả lãi suất bằng USD là 4%/ năm thì như thế mỗi năm Vietnam Airlines phải trả nợ sân bay tới 36 triệu USD quả là vấn đề nan giải.
Số liệu của Tổng cục Thống kê về số lượng khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng đầu năm 2014. Ảnh tư liệu: Internet. |
Năm 2013 VNA tuyên bố có lãi , lợi nhuận trước thuế đạt 533 tỷ đồng, nếu quy đổi chỉ khoảng hơn 25 triệu USD. Vậy thì lấy gì để trả lãi vay ODA cho đầu tư vào nhà ga này? Nỗi lo lớn bên cạnh niềm vui mừng chính là ở đó.
- Xin cảm ơn ông!
Xem clip nhà ga T2 Nội Bài chính thức vận hành (Nguồn clip: Youtube):