Mối là loài gây hại cho các công trình song lại là một mắt xích trong chu trình thức ăn của nhiều loài. |
Không diệt mối như các loài côn trùng gây hại khác
GS.TS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, mối là tên gọi dân gian cho một bộ côn trùng có tên bộ cánh đều, tên khoa học là Isoptera, xuất hiện trên hành tinh cách đây chừng 250 triệu năm.
Mối cùng với ong và kiến là nhóm côn trùng hiếm hoi có đời sống xã hội. Trên thế giới có khoảng 3.000 loài mối và ở Việt Nam mới biết được khoảng 150 loài.
Ngoài môi trường tự nhiên, mối là động vật có ích, giúp phân giải xác động thực vật (tham gia vào chu trình vệ sinh môi trường, chuyển hóa vật chất) và làm thức ăn cho nhiều loài động vật.
Thậm chí, có loài động vật chỉ ăn mối như tê tê, heo vòi… Tuy vậy, trong môi trường nhân tạo, mối là đối tượng gây hại đáng sợ cho nhà cửa, kho tàng, di tích, đê đập và cây trồng.
Mối thuộc nhóm động vật biến nhiệt, nên chỉ phân bố và phát triển mạnh ở vùng nhiệt đới, ít ở vùng ôn đới. Ở Việt Nam, đại diện cho mối gây hại các công trình xây dựng... là loài mối nhà (Coptotermes gestroi) và mối gỗ khô (Cryptotermes domesticus). Mối gây hại đê đập là loài mối đất (Odontotermes hainanensis). Mối hại cây trồng là loài mối đất và mối tổ nổi như Macrotermes annandalei.
Mỗi loài mối có những khác biệt về hình thái, tập tính sống, cách làm tổ và phá hại. Do vậy, việc phòng trừ phải căn cứ vào những đặc điểm sinh học, sinh thái học của từng loài. Không thể diệt mối như diệt các côn trùng gây hại khác như ruồi, muỗi…
Theo GS.TS Bùi Công Hiển, quy trình của biện pháp diệt mối gồm khảo sát khu vực cần xử lý, đặt các hộp nhử vào một số vị trí để thu hút tối đa mối thợ đến khai thác.
Khi thấy mối đã đến ăn ở hộp nhử mối nhiều thì đặt vào đó các thanh đã tẩm sẵn hoạt chất diệt mối. Hoạt chất này không màu, không mùi, không vị, khối lượng ít, chỉ vài gr., nhưng có tác dụng gây độc dạ dày mối.
Mối ăn vào không bị chết ngay, mà còn truyền thức ăn này cho mối lính, mối cánh, mối vua, mối chúa và mối non. Qua việc truyền thức ăn cho nhau, chất độc lan tỏa dần trong tổ mối làm chúng bị chết.
Mối thợ là lực lượng chính kiếm ăn về cho cả tổ mối. Khi số lượng mối thợ giảm sút cũng làm cho nhiều cá thể mối chết đói. Cho nên sau khoảng thời gian 2 - 3 tuần lễ tổ mối bị đánh bả sẽ được loại bỏ hoàn toàn.
“Thường khi xử lý mối gây hại nhà cửa, người ta ký hợp đồng bảo hành 3 - 4 năm. Bởi nếu một tổ mối chưa được xử lý triệt để, chúng có thể hạn chế hoạt động vào mùa Đông, Xuân, vì nhiệt độ thấp. Đến mùa Hè mới hoạt động trở lại.
Phải qua 2 - 3 năm không thấy mối, mới xác định tổ mối đã bị diệt. Nhưng 5 - 6 năm sau thấy mối bắt đầu xuất hiện ở khu vực đã xử lý mối, là vì những con mối cánh từ nơi khác đến làm tổ và tổ lớn dần về số lượng. Phải khoảng 4 - 5 năm tổ mối mới phát huy tác dụng gây hại. Người ta gọi tổ mối gây hại là sự “cháy ngầm”, GS.TS Bùi Công Hiển phân tích.
Việc phun thuốc trừ sâu diệt mối không bao giờ hiệu quả lại còn gây ô nhiễm môi trường. Biện pháp xử lý mối bằng bả diệt mối là tân tiến, sử dụng hóa chất độc rất ít, không ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường. Đồng thời thao tác đơn giản, không đào bới, thay đổi hiện trường…
Sống chung với mối
Theo GS Bùi Công Hiển, có ba con đường (nguyên nhân) hình thành một tổ mối hay xuất hiện vị trí mối phá hại trong một không gian. Đó là từ mối cánh bay vào làm tổ.
Thời gian từ một đôi mối cánh (đực, cái kết đôi) đến lúc tổ mối có số lượng nhiều, phát hiện dấu vết gây hại (tổ cỡ trung bình) phải mất khoảng 3 - 6 năm.
Hai là có thể từ vườn cây hay cổ thụ có tổ bên ngoài hoặc từ nhà liền kề để mối thợ đi kiếm ăn xâm nhập vào. Ba là khi vật dụng đồ gỗ, hàng hóa vận chuyển vào nhà đã có sẵn mối mà không biết, phổ biến ở nơi làm kho chứa hàng.
Do vậy, khi tiến hành xử lý mối, phải khảo sát đầy đủ để xác định mức độ mối đang gây hại (quy mô), vị trí đang hoạt động mạnh nhất, khả năng nào đã phát sinh ra mối và loài mối (mối nhà hay mối đất).
GS Bùi Công Hiển cho biết, về nguyên tắc có thể xây dựng những khu vực an toàn về mối. Ở một thành phố của Mỹ người ta đã xây dựng được một quận an toàn không có mối trong nhiều năm. Ở Việt Nam, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có hợp đồng với Hội An đảm bảo an toàn về mối cho khu vực phố cổ.
Để phòng mối chủ động, phải khảo sát và diệt mối xuất hiện ở khu vực xây dựng công trình. Nếu là công trình bắt đầu xây dựng thì trong thiết kế có phần xây dựng hành lang phòng chống mối.
Nếu công trình đã sử dụng thì bổ sung hành lang phòng chống mối. Ở hành lang phòng chống mối người ta đặt một số hộp nhử mối để thường xuyên theo dõi tình hình mối hoạt động, xâm nhiễm, kiểu như lắp camera. Vào những tháng 4 - 6 dương lịch, là thời điểm mối bay phân đàn, cần phải kiểm tra, theo dõi hiện tượng này ở khu vực cần bảo vệ.
Định kỳ vào mùa Hè kiểm tra những nơi mối có khả năng gây hại như gầm cầu thang, tủ bếp, phòng kho, gác lửng... (nơi có nhiều gỗ, kín đáo và con người ít đến). Khi kiểm tra dùng đèn pin soi vào chỗ tối, lấy tuốc nơ vít gõ vào mặt gỗ xem thế nào hoặc cậy nhẹ những nơi nghi có đường đi của mối. Hiện chưa có máy phát hiện mối.
GS Bùi Công Hiển khẳng định, mối là một tồn tại khách quan, luôn đồng hành với cuộc sống của chúng ta, không thể “diệt mối tận gốc”, mà chỉ có thể sống thông minh với mối, tìm biện pháp hữu hiệu hạn chế tác hại của chúng.
Trong tự nhiên, mối là một mắt xích trong chu trình thức ăn nên ở góc độ nào đó chúng là loài có ích cho môi trường.