Đài RFI đưa tin trong bài viết có tiêu đề "Trung Quốc tung quảng cáo về các nhà máy điện hạt nhân nổi" báo Le Monde của Pháp nhận xét kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc trên Biển Đông là rất đáng lo ngại, tuy nhiên dự án này có vẻ đang diễn ra chậm hơn những gì báo chí đăng tải.
Được lắp đặt trên tàu hoặc dàn nổi trên biển, các nhà máy điện hạt nhân quy mô nhỏ sẽ cung cấp điện cho những cơ sở dân sự nằm biệt lập như các dàn khoan ngoài khơi xa, và cả các cơ sở quân sự trái phép trên những hòn đảo mà Trung Quốc tranh chấp chủ quyền.
Ảnh chụp vệ tinh Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà phía Trung Quốc chiếm đóng, xây dựng trái phép đường băng và cho máy bay hạ cánh. (Nguồn: CSIS) |
Tháng 7/2016, chỉ vài ngày sau khi Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan) đưa ra phán quyết bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh trên Biển Đông, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã gọi các nhà máy điện hạt nhân này là biểu tượng cho sức mạnh của đất nước.
Các tờ báo chuyên ngành của Trung Quốc cho hay dự kiến sẽ có 20 nhà máy điện hạt nhân được lắp đặt trên biển.
Tuy nhiên theo đánh giá của Le Monde, dự án này trên thực tế có vẻ như đang tiến triển chậm hơn so với những thông tin báo chí đăng tải.
Báo Le Monde dẫn một nguồn tin giấu tên từ Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc (CGN) cho biết kế hoạch lắp đặt các nhà máy điện hạt nhân di động trên biển mới chỉ là ý tưởng và đang ở bước nghiên cứu, chưa thể thành hiện thực.
Nguồn tin cũng cho rằng ngay cả khi dự án được hoàn thành, việc mua bán điện từ các nhà máy điện hạt nhân nổi này vẫn còn rất xa vời.
Theo Trung tâm nghiên cứu về kinh tế hạt nhân thuộc Đại học Hạ Môn (Trung Quốc), trước hết các nhà xây dựng phải chứng minh được là các nhà máy điện hạt nhân di động đảm bảo an toàn, và có thể cạnh tranh được với những nguồn năng lượng khác.
Tuy nhiên, hiện các tiêu chuẩn an toàn cho nhà máy điện hạt nhân nổi vẫn còn chưa được đưa ra, điều đó có nghĩa là mọi chuyện vẫn đang còn ở phía trước.