Muối ăn là loại gia vị mà gia đình nào cũng cần và sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Hầu hết mọi người thường dùng muối để ngâm rửa một số loại trái cây, rau củ hoặc dùng để rửa thịt, cá hoặc nêm nếm vào các món ăn.
Ngoài việc làm gia vị, muối ăn còn giúp giải tỏa cơn nóng trong dạ dày, giúp quá trình trao đổi chất của chúng ta diễn ra dễ dàng hơn, đồng thời bổ sung một số chất dinh dưỡng cần thiết, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
Theo Thạc sĩ Cao Ngọc Mai Hân (Khoa Nội tim mạch - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), muối là gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa ăn. Thành phần chính của tất cả loại muối ăn trên thị trường là natri clorua.
Natri có trong muối giúp cân bằng lượng nước bên trong cơ thể, dẫn truyền xung động thần kinh và đảm bảo hoạt động chức năng của tế bào. Tuy nhiên, ăn quá nhiều natri sẽ dẫn đến tăng huyết áp, các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, suy thận và đột quỵ.
Các thực phẩm trong tự nhiên đã chứa sẵn một hàm lượng muối. Nếu không nêm nếm thêm trong quá trình chế biến, cơ thể vẫn hấp thu được natri trong thực phẩm. Trong khi đó, lượng natri trong chế độ ăn của chúng ta có 70-80% được cho vào trong quá trình chế biến, bảo quản (muối ăn, hạt nêm, bột ngọt…) và khi ăn (nước tương, mắm...).
Hiện nay, trung bình lượng natri ăn vào của người Việt Nam trưởng thành là 3,7g/ngày, tương đương với lượng muối ăn vào là 9,4g/ngày, gần gấp đôi mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Rất khó để biết chính xác lượng natri mỗi người nạp vào cơ thể, các bác sĩ có thể dựa vào xét nghiệm lượng natri bài tiết qua nước tiểu hoặc một số biểu hiện cho thấy bạn đang ăn mặn.
- Thường xuyên khát nước
Khi ăn quá nhiều muối, lượng natri vào trong máu tăng cao, tác động lên trung tâm khát của não, gây cảm giác khát. Đây là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể để điều chỉnh lại nồng độ natri trong máu. Nếu không có cơ chế này, natri trong máu sẽ hút nước từ trong chính các tế bào của cơ thể ra, làm các tế bào này teo lại và gây rối loạn hoạt động của tế bào.
Tuy nhiên, cảm giác khô miệng và khát nước thường xuyên cũng có thể là triệu chứng của đái tháo đường. Vì vậy, bạn nên đi khám nếu có triệu chứng này.
- Đi tiểu thường xuyên
Thận có vai trò lọc máu để loại bỏ các chất thải và lượng nước dư thừa. Khi ăn mặn, nồng độ natri cao trong máu sẽ kéo nước từ trong tế bào vào, làm tăng lượng nước trong máu. Thận phải làm việc để loại bỏ bớt muối và nước qua nước tiểu, gây triệu chứng đi tiểu nhiều.
Một số người có thể bị mất ngủ vì tiểu đêm nhiều lần. Khi thận tăng thải natri qua nước tiểu sẽ kéo theo canxi mất qua đường tiểu, làm tăng nguy cơ loãng xương. Tiểu nhiều cũng có thể là triệu chứng của bàng quang hoạt động quá mức, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc tiểu đường.
- Thường xuyên cảm giác thức ăn quá nhạt
Khi bạn thường xuyên ăn mặn, các gai vị giác trên lưỡi sẽ thích nghi với vị mặn và khiến bạn phải thêm muối hay nước chấm trong bữa ăn, nếu không các gai vị giác này sẽ cho tín hiệu món ăn rất nhạt nhẽo.
- Phù
Trên những bệnh nhân đã có các bệnh lý suy tim, suy thận và xơ gan, việc ăn nhiều muối có thể gây ra triệu chứng phù do cơ thể tự động tích trữ nước khi nồng độ natri máu cao.
Có thể nhận thấy triệu chứng phù khi bạn mang dép thấy chật hơn, ngón tay đeo nhẫn không còn vừa, hoặc biểu hiện rõ ràng hơn là sưng che lấp các vùng lõm bình thường và ấn vào mô phù thấy dấu ấn lõm.
- Thường xuyên đau đầu
Việc ăn mặn có thể khiến những cơn đầu xuất hiện thường xuyên hơn. Nguyên nhân có thể do muối làm tăng huyết áp. Ngay cả ở người bình thường, việc giảm natri trong chế độ ăn được chứng minh giúp giảm tần suất các cơn đau đầu. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều muối cũng ảnh hưởng đến chức năng của các tế bào thần kinh gây giảm trí nhớ và mất tập trung.
- Rối loạn tiêu hóa
Ăn nhiều muối có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori (khuẩn HP) gây viêm dạ dày, chướng bụng, khó tiêu và tăng nguy cơ ung thư dạ dày.