Những chia sẻ của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn về ngày Tết cho thấy, với bà Tết vẫn luôn có một cái gì đó đầm ấm và thiêng liêng. Hơn thế nữa, nếu biết cách sống, biết cách hưởng thụ cuộc sống thì mỗi ngày đều là ngày vui, đều là Tết.
Biết tận dụng từng ngày để có niềm vui
- Bà có thích Tết không?
- Nói thực là lâu nay, có lẽ từ khi nhà tôi mất, tôi đã không còn hào hứng với Tết nữa. Vì thấy Tết thì cũng không có gì mới.
- Tại sao vậy, thưa bà? Trong khi ai cũng háo hức với cái Tết. Người ở nhà thì trông ngóng, người đi xa thì chịu bao vất vả, chen chúc tàu xe, bồng bế con cái về quê chỉ để được ăn một cái Tết với gia đình?
- Nói háo hức với Tết thì có lẽ chỉ là trẻ con thôi, chứ người lớn thì cũng không mấy hào hứng nữa. Còn riêng với tôi thì gần như ngày nào cũng là ngày Tết được, nếu mình biết tận hưởng cuộc sống của mình. Tết chỉ là một điểm nhấn của thời gian thôi. Và nếu mình biết tận hưởng cuộc sống thì ngày nào cũng có thể có niềm vui. Mà đã vui thì là Tết rồi còn gì.
- Nhưng, nói gì thì nói, ngày Tết vẫn phải có gì đó khác với ngày thường chứ ạ. Vậy bà thường làm gì vào những ngày Tết?
- Ngày Tết với tôi thường là dịp gặp gỡ họ hàng gia đình, bạn bè. Nhà tôi anh chị em, rồi các cháu đông lắm, lại cũng chỉ ở quanh Hà Nội đây nên gặp gỡ hết thì cũng hết Tết. Bình thường có khi bận rộn không đến thăm nhau được. Hay có khi tự nhiên đến nhà nhau cũng không tiện. Tết mới là dịp gặp nhau. Giờ tôi lại thích đi xa. Tôi có nhiều nhóm bạn, chúng tôi thường rủ nhau đi chơi: Lên rừng ngắm hoa mận, hoa đào, nghe nói ở đâu có chùa đẹp là đi... Lúc nào cũng có thể đi được chứ không cứ là Tết. Hạnh phúc nhất là có sức khoẻ, muốn đi đâu thì đi. Làm cái gì mình thích. Còn nếu nói Tết là vui thì như tôi về hưu rồi, ngày nào cũng là ngày vui. Mình phải biết tận dụng từng ngày một để có niềm vui của riêng mình.
|
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. |
- Được như thế thì khác nào thần tiên!
- Cái đấy phải từng trải mới có được. Chứ như các bạn bây giờ còn bận rộn, con cái, gia đình, bao nhiêu là việc. Phải chuẩn bị từ trước cho mình một tuổi già có sức khỏe và một chút tiền để khỏi phải lo lắng chạy vạy nữa, để làm được theo ý mình... Đó là sự chuẩn bị dài cả cuộc đời. Từ khi chồng mất, tôi nghĩ phải tự lo cho cuộc sống của mình, của con mình thôi, bố mẹ thì già rồi, anh chị em thì mỗi người một số phận. Chứ như nhiều người bạn tôi giờ cũng vất vả lắm.
Tết Hà Nội rất nhiều hoa
- Là người Hà Nội, theo bà cái gì là đặc biệt nhất trong ngày Tết của người Hà Nội?
- Tết Hà Nội rất độc đáo. Đặc biệt là rất nhiều hoa. Hồi trước nhà tôi ở dưới Yên Phụ, ngày Tết tôi hay đi chơi chợ hoa, nhìn người ta chở hoa ra suốt dọc đường đê lên Hàng Lược, cứ như một dòng sông toàn hoa, rất đẹp. Giờ tôi vẫn thích lên chợ hoa, ngắm người và hoa.
- Cái Tết nào nhiều kỷ niệm nhất với bà?
- Có lẽ đó là những cái Tết hồi tôi còn bé. Rất thích! Quê tôi ở Tứ Liên, cách nhà có mấy cây số thôi. Tết nào cũng được bố mẹ dắt về quê thăm ông (vì bà mất rồi) và các bác. Lúc đó tôi 9 - 10 tuổi, được tụ tập với các anh chị em họ, rất là vui. Hoặc những lần được mẹ dẫn lên chùa. Lần đầu thấy sờ sợ, vì nhìn mấy bức tượng ông Hộ pháp rất dữ. Trong lòng mình thấy sao mà thiêng liêng đến thế, không như bây giờ.
- Bây giờ thì sao, thưa bà?
- Phải công nhận rằng, cuộc sống bây giờ hơn ngày xưa nhiều, có nhiều niềm vui cho tuổi của tôi. Chứ ngày xưa mẹ tôi bằng tuổi tôi có khi chẳng đi đâu cả, chỉ ngồi nhà. Nhưng nhiều cái đã thay đổi, đã bị mất đi, bị phá vỡ. Ví dụ như hội Lim chẳng hạn. Hồi nhỏ được đi xem, mình thấy hát rất hay, nhưng giờ chỉ thấy hàng quán nhiều, cái ao thì bé tí, hát cũng không hay như xưa nữa. Chùa chiền cũng thế, trước đến cửa chùa là thấy trang nghiêm, giờ nhiều nơi thấy cứ thị trường quá. Hay như việc gói bánh chưng chẳng hạn. Ngày trước nhà tôi năm nào cũng gói bánh chưng, có cái bánh chưng con để trên cùng vì bánh bé bao giờ cũng chín trước, khi vớt lại được mẹ buộc cái lạt để đeo vào ngón tay út. Giờ nhớ lại vẫn thấy sung sướng. Đúng là cả năm mới được ăn bánh chưng, thịt gà, chứ ngày thường không có. Có lẽ vì thế nó độc đáo với tuổi thơ của mình. Bây giờ ngày nào cũng có bánh chưng, ngày nào cũng có thịt gà.
Nên có những niềm vui chung
- Vậy phải làm thế nào để giữ cho con trẻ sự thiêng liêng như thế của ngày Tết?
- Nói chung Tết thì vẫn vui, là dịp để gặp gỡ người thân, bạn bè. Như tuổi tôi, Tết thì dành thời gian để gặp bạn cũ. Nhiều tuổi rồi, có con có cháu rồi, gặp nhau vẫn mày tao, vẫn vui như ngày xưa. Có khi chỉ Tết mới gặp nhau được. Mình vẫn để dành cho ngày Tết một cái gì thiêng liêng, đầm ấm, thân thiết. Tùy theo lứa tuổi, tùy từng gia đình có cách đón Tết, cảm nhận về cái Tết khác nhau. Mấy năm trước tôi cũng đi xem bắn pháo hoa. Ra Bờ Hồ, hòa vào dòng người đông đúc, cùng đồng loạt đếm ngược đồng hồ đến thời điểm Giao thừa. Cũng rất vui. Vì thế, tôi nghĩ Tết cũng nên có hoạt động gì đó của Nhà nước như thế để nhân dân được tập trung, có niềm vui chung như thế.
Còn trong mỗi gia đình thì nên giữ cái gì, khi mà với trẻ con bánh chưng, thịt gà chẳng có gì hấp dẫn, đến bánh kẹo ngon thì ngày nào cũng được ăn rồi, quần áo mới cũng không thiếu... Vậy thì Tết có gì để mong đợi?
Mỗi thời đại có những niềm vui của nó, có cách hưởng thụ cuộc sống của nó. Mình rất tiếc những cái của tuổi thơ mình nhưng giờ nó khác. Tôi thích được gói bánh chưng, thích cái không khí quây quần bên bếp lửa quanh nồi bánh chưng. Cậu em trai cũng bảo Tết sẽ nấu bánh chưng cho bọn trẻ thích, nhưng mấy bà già như mình đều gạt đi, vì nấu ra rồi ai ăn, rất phí. Chỉ có ở quê thì người ta vẫn giữ cái nếp ấy, vẫn nấu bánh chưng, mấy nhà chung nhau mổ một con lớn. Rất là vui. Tết vẫn có cái đầm ấm thiêng liêng trong mỗi gia đình. Còn giữ được cái đó hay không thì lại tùy vào mỗi gia đình. Ít nhất cũng phải giữ mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy. Như trong gia đình tôi, dù có đi đâu thì đến ngày 27 Tết, tất cả vẫn tụ tập về nhà em trai vì đó là ngày giỗ bố, sau đó đi một vòng các nhà. Đã thành lệ rồi, năm nào cũng thế. Mà chắc là các gia đình đều có những ngày như thế.
- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này. Và xin chúc bà một mùa xuân mới nhiều sức khoẻ và niềm vui!
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn sinh năm 1943 tại Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội. Bà làm thơ từ sớm, năm 1969, bài thơ Hương thầm của bà đoạt giải nhì cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ. Các tác phẩm của bà gồm: Tháng giêng hai, Hương thầm, Chân dung người chiến thắng, Bông hoa không tặng, Nghiêng về anh, Xóm đê ngày ấy (truyện thiếu nhi), Hoa mặt trời, Ánh sáng của anh, Tuổi trăng rằm… Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn được tặng Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2008.