Khi những cơn đau ngày càng dữ dội, bé mới được đưa vào bệnh viện thì khối u não đã chèn ép, đe dọa tính mạng.
Đó là trường hợp của bé L.T.D. (4 tuổi, ngụ tại tỉnh Đắk Nông) đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM. Ngày 22/3, trao đổi với phóng viên thông tin về ca bệnh, BS Lê Quang Mỹ, khoa Ngoại Thần kinh cho biết, bệnh nhi nhập vào khoa cấp cứu lúc 3 giờ sáng, trong tình trạng lơ mơ, ngủ gà, khi tỉnh bé thường xuyên than đau đầu và ói.
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ bà ngoại của bệnh nhi ghi nhận, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, bệnh nhi đã bị mắc COVID-19. Sau khi khỏi bệnh, bé có biểu hiện bị đau đầu. Cho rằng trẻ bị di chứng hậu COVID-19 nên gia đình không đưa đến bệnh viện mà tự theo dõi, chăm sóc tại nhà.
|
Bệnh nhi đã được đặt dẫn lưu dịch não tủy và đang theo dõi, điều trị tại BV Nhi Đồng 2 |
Tuy nhiên, tình trạng bệnh diễn tiến ngày càng nặng, những cơn đau đầu xuất hiện liên tục và dữ dội hơn. Bên cạnh đó, trẻ bị nôn ói, đi đứng loạng choạng, té, run chân tay. Lúc này gia đình mới vội đưa đến bệnh viện địa phương thăm khám. Sau kết quả kiểm tra hình ảnh, bác sĩ phát hiện trong não của bệnh nhi có khối u nên lập tức chuyển viện cấp cứu.
Bệnh nhi được ê kíp trực cấp cứu khẩn trương kiểm tra và xác định bị não úng thuỷ thể tắc nghẽn do khối u chèn ép (dịch trong não bị tắc, không lưu thông được). Sau hội chẩn nhanh, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật, đặt ống dẫn lưu để giải phóng dịch não tủy, giảm áp lực nội sọ. Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi bị khối u ác tính nên đã lấy mẫu bệnh phẩm thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để xác định bản chất của khối u và đưa ra giải pháp điều trị hiệu quả nhất.
Từ trường hợp trên, BS Quang Mỹ khuyến cáo cộng đồng, rất hiếm trường hợp trẻ sau khi mắc COVID-19 để lại di chứng. Do đó, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường ở bệnh nhi, gia đình cần nghĩ ngay đến các nguy cơ của bệnh lý khác để đưa đến bệnh viện thăm khám, phát hiện và điều trị kịp thời.