Mới đây, qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) phát hiện trên các website và trang thương mại điện tử: nhathuocthanthien.com.vn, nhathuocsuckhoe.com, nhathuocngocanh.com, nhathuoctamduc.com.vn, sendo.vn, shopee.vn.... đang quảng cáo vi phạm các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Entero Bifina và Pedia Baby Ăn ngon, quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.
Đồng thời, các trang này cũng vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm Entero Bifina và Pedia Baby Ăn ngon gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Sản phẩm Entero Bifina. |
Các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe men vi sinh Entero Bifina và siro Pedia Baby Ăn ngon, quảng cáo vi phạm nêu trên do Công ty Cổ phần Dược phẩm High Tech USA (địa chỉ: Km 18 Đại lộ Thăng Long, KCN Thạch Thất- Quốc Oai, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.
Tuy nhiên, quá trình hậu kiểm, Công ty Cổ phần Dược phẩm High Tech USA không thừa nhận các website: nhathuocthanthien.com.vn, nhathuocsuckhoe.com, nhathuocngocanh.com và nhathuoctamduc.com.vn là của Công ty; Công ty không ký hợp đồng với các trang thương mại điện tử: sendo.vn, shopee.vn để quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Entero Bifina và Pedia Baby Ăn ngon.
Vì thế, dù các sản phẩm Entero Bifina và Pedia Baby Ăn ngon được bán trên sàn thương mại Sendo và Shopee, nhưng Công ty Cổ phần Dược phẩm High Tech USA không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo và chất lượng của các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các trang này.
Đáng nói, theo tìm hiểu của Kiến Thức, đây không phải lần đầu tiên sàn thương mại điện tử Shopee đăng bán sản phẩm không được kiểm duyệt về nhà phân phối, quảng cáo cũng như chất lượng. Thậm chí, hàng loạt cảnh báo của Cục An toàn Thực phẩm đến người tiêu dùng khuyến cáo cẩn thận kẻo “tiền mất, tật mang” vì sản phẩm không rõ nguồn gốc, quảng cáo sai phạm trên các trang thương mại điện tử như Shopee khiến người dân nhầm tưởng là thuốc.
Các sản phẩm chào bán trên Shopee từng bị cảnh báo thời gian qua có thể kể đến thực phẩm bảo vệ sức khỏe Proxerex của Công ty TNHH Dược phẩm Liên Hợp; các sản phẩm TPBVSK Sveltform+, Pax+ Forte, Nutrimax+, Junior neo+, Enjoy nt… do Công ty TNHH Coffeecel (Địa chỉ: Số nhà 18, ngách 177 ngõ 42 phố Thịnh Liệt, P. Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm; TPBVSK Viên xương khớp Kingphar New do Công ty Cổ phần Kingphar Việt Nam (Địa chỉ: Số B58 đường Nguyễn Thị Định, khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm; TPBVSK Nanocumin do Công ty Cổ phần Bioscope Việt Nam (Địa chỉ: Số nhà 10 đường 1D, khu dân cư Melosa Khang Điền, khu phố 3, phường Phú Hữu, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm; hay TPBVSKK Soy Protein của Công ty TNHH Uncity Maketing Việt Nam;...
Mới đây, Cục ATTP cũng phát hiện sản phẩm Viên Đa Xoan, Dưỡng Sắc Khang do Công ty Cổ phần ALLHERBS chịu trách nhiệm công bố là hàng giả mạo cũng được bán trên sàn giao dịch Shopee này.
Theo ý kiến của nhiều người tiêu dùng, sản phẩm bán trên sàn thương mại điện tử Shopee thường có giá rẻ hơn rất nhiều so với thị trường và không được kiểm duyệt về chất lượng sản phẩm. Việc bán các sản phẩm liên quan đến sức khỏe như thực phẩm chức năng nếu không đảm bảo chất lượng có thể gây ảnh hưởng nguy hại khôn lường đến sức khỏe người sử dụng.
Vì thế, ngoài phát hiện và khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, kiểm soát nguồn gốc chất lượng sản phẩm trên sàn Shopee nói riêng và các trang thương mại điện tử nói chung để bảo vệ người tiêu dùng.
>>> Mời bạn đọc xem thêm video: Ngộ độc tập thể ở Phú Yên do ăn thịt heo