Cuộc sống hôn nhân không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Đôi khi, chính vì những cãi vã, giận hờn, hiểu lầm mà đã có rất nhiều cặp đôi "đường ai nấy đi" trong sự tiếc nuối.
Anh chàng Matthew Fray cũng là một trong những trường hợp đó. Đặc biệt, chính nhờ cuộc hôn nhân tan vỡ của bản thân, anh đã có thể nhận ra những điều mình thiếu sót và đưa ra lời khuyên giúp đỡ các cặp vợ chồng khác thêm hiểu nhau hơn.
"Vợ bỏ vì tôi không rửa bát", Matthew Fray, blogger người Mỹ sống tại Cleveland, đã viết trên một blog gây bão mạng về hôn nhân đổ vỡ đau khổ của chính mình 4 năm trước.
Fray muộn màng nhận ra rằng gần như anh không giúp vợ làm bất cứ công việc nhà nào. Mỗi khi bước vào bếp, cô ấy vô cùng ngán ngẩm vì nhìn thấy đống bát đĩa chất đầy trong bồn rửa.
"Mỗi lần như vậy, cuộc hôn nhân của chúng tôi lại tiến thêm một bước đến bờ vực kết thúc", Fray viết trong một bài blog. Cuối cùng, họ chính thức ly hôn vào năm năm 2013.
Anh viết: "Cô ấy nói không muốn làm mẹ tôi. Cô ấy chỉ muốn là một người bạn đời và cần tôi giúp đỡ công việc dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái. Tôi chỉ nhớ lúc đó mình đã rất tức giận và coi đó là đòi hỏi quá đáng".
|
Blogger Matthew Fray. |
"Chỉ mất 4 giây để đặt cái cốc vào máy rửa chén sau khi dùng và điều đó rất quan trọng với em hơn anh tưởng", anh thuật lại lời vợ.
Khi nhận được tin nhắn chia tay, Fray đã vô cùng đau khổ, đến mức anh không thể kìm được cảm xúc và khóc nghẹn ngay tại nơi làm việc. Sau một khoảng thời gian suy nghĩ, anh nhận ra lỗi lầm của bản thân và quyết định dùng kinh nghiệm của mình để đưa ra lời khuyên giúp đỡ các cặp vợ chồng khác.
Theo Fray, những thứ phá hủy tình yêu và hôn nhân thường ngụy trang dưới vỏ bọc tầm phào. Nhiều thứ gây nguy hiểm không phơi bày hoặc không cảm nhận được khi nó xảy đến. Khi không nhận ra điều gì là mối đe dọa, chúng ta sẽ không đề phòng. Những vết thương nhỏ này bắt đầu rỉ máu và máu chảy ra từ từ đến nỗi nhiều người trong chúng ta không nhận ra mối đe dọa, cho đến khi quá muộn để ngăn chặn nó.
"Thay vì chấp nhận lắng nghe người bạn đời của mình, quan tâm đến lý do tại sao họ cảm thấy tồi tệ, tôi đã phát hiện ra rằng đàn ông luôn hao tốn năng lượng của họ theo nhiều cách. Họ luôn muốn rạch ròi câu chuyện mà đối phương phàn nàn về mình. Nếu sai, họ sẽ vẫn luôn cho rằng bạn đời của mình phản ứng thái quá hoặc thanh minh liên tục về lý do họ sai.
Tôi không chắc là bạn đã kiểm tra lịch chưa, nhưng đây không phải năm 1960 nữa. Hãy đứng lên, hãy thể hiện mình là một người đàn ông có trách nhiệm", Fray nói.
Anh đưa ra lời động viên, khích lệ cho những cặp vợ chồng khó tìm được tiếng nói chung: "Tôi chưa từng nghĩ rằng một người đã từng sống buông thả, chỉ mặc áo bóng rổ và uống bia mỗi chiều thứ bảy, để vợ ở nhà vừa chăm con vừa dọn nhà như tôi giờ đây lại dành nhiều thời gian để đọc về Năm ngôn ngữ tình yêu."
Được biết, Fray và người vợ cũ gặp nhau ở đại học và kết hôn năm 2004, khi cả hai đều 25 tuổi. 4 năm sau, vợ chồng anh có con trai đầu lòng. Vợ anh đã phải chiến đấu với căn bệnh trầm cảm sau sinh và đau buồn khi cha mất.
"Tôi buộc phải làm toàn bộ việc nhà, kiêm cả việc chăm con. Tôi cảm thấy bực bội khi cô ấy nhờ vả việc gì đó", Fray chia sẻ.
Nhiều lần, sự lười nhác của anh đã khiến vợ khó chịu. Anh chia sẻ: "Mỗi khi xuống bếp, vợ tôi lại phát hiện một chiếc cốc uống nước bên bồn rửa, trong khi ngay cạnh đó là máy rửa chén. Cô ấy nói rằng việc đặt ly vào máy rửa chén không mất đến 4 giây, nhưng nó lại quan trọng với cô ấy hơn là tôi tưởng."
Hàng trăm, có thể hàng nghìn lần, vợ đã cố gắng nhắc nhở Fray phải bỏ cốc vào máy rửa chén. Nhưng với anh điều đó chẳng có nghĩa lý gì. Khi đó Fray cứ nghĩ vì đã lấy nhau, vợ nên tôn trọng mình.
"Em không nên phá hỏng buổi tối vui vẻ để tranh luận với anh vì chiếc ly này. Sau cả ngày anh làm việc vất vả vì gia đình này mà không nhận được lời cảm ơn, em lại định đưa chiếc ly thành một vấn đề trong hôn nhân. Nếu em muốn nó nằm trong máy rửa chén, hãy tự đặt mà không cần nói với anh. Nếu không, anh sẽ cất đi khi mọi người đến chơi hoặc khi anh dùng xong. Cãi nhau vì việc này thật nhảm nhí và không công bằng", Fray nói.
Nhưng vợ anh không bao giờ đồng ý. Đối với cô, vấn đề không phải là chiếc cốc trên bồn rửa, không phải bát đĩa, đồ giặt trên sàn hay việc chăm con mà là sự quan tâm. Cô ấy có cảm giác đã kết hôn với một người không tôn trọng hoặc không đánh giá cao mình. Đây là con đường dẫn đến của mối quan hệ tan vỡ.