Nhật Bản có gì để đối đầu biên đội tàu sân bay Trung Quốc?
Trước sự phát triển quá nhanh của các biên đội tàu sân bay Trung Quốc, Nhật Bản đã phải lao vào cuộc đua phát triển tên lửa chống hạm để đi tìm thứ vũ khí tự vệ cho chính bản thân mình.
Tiến Minh
Xem toàn bộ ảnh
Theo tin tức từ tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản đưa tin, Nhật Bản đang xúc tiến chương trình nghiên cứu và phát triển vũ khí, với hy vọng chế tạo một loại tên lửa chống hạm mạnh hơn, với tầm bắn hơn 2.000 km.
Tên lửa mới của Nhật Bản, ngoài nhiệm vụ tấn công tàu chiến của đối phương gần vùng ven biển của Nhật Bản, thậm chí các mục tiêu xa hơn, như toàn bộ vùng biển Hoa Đông; và mục tiêu là các tàu sân bay cũng như các tàu chiến lớn khác của Trung Quốc; đây sẽ trở thành tên lửa tầm xa nhất, mà Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sở hữu. Ảnh: Tên lửa chống hạm Type 12 của Nhật Bản.
Trong một bài báo có tiêu đề "Nhật Bản sẽ sử dụng tên lửa Tomahawk sản xuất trong nước, để cải thiện khả năng răn đe", tờ Sankei Shimbun cho biết, chính phủ Nhật Bản đã triển khai kế hoạch phát triển tên lửa chống hạm tầm xa, tầm bắn 2.000 km, với kinh phí ít nhất là khoảng 10,5 tỷ yên. Dự kiến việc phát triển và thử nghiệm sẽ hoàn thành vào khoảng năm 2022. Ảnh: Tên lửa chống hạm phóng từ trên không Type 93 của Nhật Bản.
Ngoài tầm bắn xa, tên lửa chống hạm mới của Nhật Bản sẽ có tính năng tàng hình cũng như khả năng cơ động cao; với những tính năng này, tên lửa mới của Nhật, sẽ tránh được sự phát hiện và đánh chặn của đối phương. Ngoài ra loại tên lửa mới này sẽ được phóng trên nhiều phương tiện, cả mặt đất, trên không và dưới biển. Ảnh: Tàu đổ bộ trực thăng Hyuga của Nhật Bản và tàu sân bay Washington của Mỹ, trong một cuộc tập trận chung.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang tiến hành nâng cấp loại tên lửa chống hạm phóng từ đất liền Type 12, hiện đang được biên chế trong Lực lượng phòng vệ Hải quân Nhật Bản; cải tiến lớn nhất là nâng tầm bắn từ khoảng 200 km hiện nay lên 900 km.
Trong tương lai, khi công nghệ tên lửa của Nhật Bản hoàn thiện, tên lửa chống hạm Type 12 sẽ được nâng tầm bắn lên đến 1.500 km; không chỉ có thể tiến công các mục tiêu mặt nước, ngoài ra còn tiến công các mục tiêu trên đất liền. Khi đó Type 12 sẽ tăng cường đáng kể khả năng răn đe của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Ngoài tên lửa chống hạm Type 12 nói trên, Nhật Bản còn có trong biên chế tên lửa chống hạm phóng từ đất liền Type 88, có tầm bắn dưới 100 km và tên lửa chống hạm Type 93 tầm bắn 170 km; năm 2019, Nhật Bản cũng đã ký với Na Uy để mua loại tên lửa tấn công liên hợp (JSM), trang bị trên máy bay chiến đấu tàng hình F-35 mà Nhật Bản mới nhận từ Mỹ; dự kiến JSM sẽ được chuyển giao vào tháng 4/2021.
Nhưng trước sự phát triển "bùng nổ" của Hải quân Trung Quốc, trong thời gian gần đây, những tên lửa tầm ngắn này khó có thể đáp ứng được yêu cầu cân bằng chiến lược Trung - Nhật; do vậy Nhật Bản muốn có những tên lửa chống hạm uy lực, với tầm bắn xa hơn, nên họ quyết tâm chế tạo loại tên lửa có tầm bắn đến 2.000 km, cũng như nâng cấp loại tên lửa Type 12 hiện có.
Việc Nhật Bản phát triển các loại tên lửa chống hạm và có thể tiến công các mục tiêu mặt đất tầm xa, rõ ràng làm Trung Quốc lo lắng; Trung Quốc chưa bao giờ quên việc Đế quốc Nhật Bản xâm lược Trung Quốc vào nửa đầu thế kỷ 20, khiến hàng chục triệu dân thường Trung Quốc thiệt mạng.
Mặc dù sau thế chiến thứ hai, Nhật Bản đã thông qua bản Hiến pháp hòa bình năm 1947; theo Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản năm 1947, Nhật đã từ bỏ mọi quyền hạn, để giải quyết tranh chấp, thông qua các biện pháp quân sự; ngoài ra Nhật Bản hoàn toàn bị cấm phát triển quân đội sau chiến tranh.
Nhưng hiện nay, trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, sau thời gian "náu mình chờ thời", trực tiếp tranh giành ảnh hưởng không gian địa chính trị với Nhật Bản, đe dọa an ninh Nhật Bản; và hiện tại giữa hai nước còn đang tranh giành quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Cùng với đó là sự "giúp đỡ" từ Mỹ, có thể Nhật Bản đã bí mật dỡ bỏ "xiềng xích hậu chiến" của mình, để thực hiện quyền tự vệ tập thể cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, trong "Hệ thống pháp luật hòa bình và an ninh", được thực hiện vào năm 2016.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, về cơ bản đã được nâng cấp thành "lực lượng phòng vệ" tương tự như của Đức, đã hoạt động rất tích cực trên trường quốc tế trong những năm gần đây; thậm chí còn tới Iraq để phối hợp với Mỹ trong việc tái thiết sau chiến tranh, và duy trì an ninh của Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần giải thích rằng "có tên lửa vượt quá tầm bắn của đối thủ, chỉ để phản ứng tốt hơn với tình hình". Nhưng nếu chỉ để bảo vệ biển đảo, thì có nhất thiết phải có tên lửa chống hạm bao trùm vùng biển nước láng giềng? Điều này khẳng định là Nhật Bản muốn giành thế chủ động khi xung đột nổ ra và chắc chắn Trung Quốc không hề mong muốn. Nguồn ảnh: JSDF.