Một điểm tham quan nổi tiếng tại Nhật Bản. Ảnh: Đào Loan |
Theo đó, cả 7 công ty này đều có trụ sở tại Hà Nội, gồm Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Du Lịch Việt, Công ty Cổ phần Du Lịch Quốc tế GOLDEN TEAM Việt Nam, Công ty Cổ phần Lữ Hành Nam Cường, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hoàng Gia, Công ty TNHH Quốc tế Hoàng Cầu, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Du Lịch Thắng Lợi và Công ty Cổ phần Dịch vụ Giải trí Hà Nội.
Thêm vào đó, chi nhánh Hà Nội của Công ty Du lịch Vietravel cũng bị đình chỉ có thời hạn trong vòng 6 tháng, kể từ ngày 1-7-2019.
Trong thông báo, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam không nói cụ thể nguyên nhân khiến những doanh nghiệp trên bị hủy bỏ hoặc đình chỉ có thời hạn, chỉ nói rằng: "vì có vi phạm nghiêm trọng quy ước đã cam kết với Đại sứ quán Nhật Bản".
Trước đó, cơ quan này đã chấp nhận cho một số công ty du lịch đạt những tiêu chuẩn nhất định, đã đăng ký từ trước và có trong danh sách của đại sứ quán được đại diện xin cấp visa đoàn cho khách tham gia tour do công ty đó tổ chức.
Đây là một trong những chính sách góp phần làm gia tăng lượng khách du lịch Việt Nam đến Nhật Bản vì du khách tiện lợi hơn khi xin cấp visa vào nước này. Các công ty được chỉ định trong danh sách của đại sứ quán cũng có lợi thế trong việc thu hút khách hàng vì phần lớn hồ sơ được doanh nghiệp sàng lọc thường được cơ quan lãnh sự thông qua.
Nhật Bản hiện là một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách Việt. Theo số liệu mới nhất từ Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO), trong 4 tháng đầu năm 2019, có 178.000 lượt khách Việt sang nước này, tăng đến 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam đã trở thành một trong 10 thị trường có lượng khách đến Nhật Bản nhiều nhất trong thời gian qua và cũng là thị trường tăng trưởng cao nhất.