Theo tờ Defense News, mặc dù Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) chưa triển khai kế hoạch đối phó với chiến lược “A2/AD” (Anti-Access/Area – Denial dịch ra là chống tiếp cận/chống xâm nhập) của Trung Quốc. Nhưng các nhà phân tích cho rằng, khả năng tác chiến chống ngầm được tích lũy trong nhiều thập kỷ giúp lực lượng có khả năng đó.
Căn cứ vào Đại cương kế hoạch quốc phòng được công bố gần đây và Chiến lược “lực lượng phòng vệ cơ động” của Nhật Bản, hướng phòng vệ chủ yếu của JMSDF đã chuyển sang phía Tây Nam, để đối phó với các cuộc xâm phạm trên biển đến từ phía Tây Nam và hỗ trợ Hạm đội tàu sân bay của Hải quân Mỹ, cùng duy trì bảo vệ an ninh trên biển. Nhưng từ những diễn biến gần đây của JMSDF, có thể thấy rằng lực lượng này đang tích cực phát triển khả năng đối phó “A2/AD”.
JDS Izumo - tàu chiến lớn nhất Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. |
Tháng 8/2013, tàu khu trục chở trực thăng JDS Izumo (DDH-183) đầu tiên của Nhật Bản hạ thủy, dự kiến năm 2014 chính thức được đưa vào sử dụng, cùng với đó là kế hoạch đóng tàu khu trục chở trực thăng thứ 3 cũng được triển khai.
JDS Izumo có lượng giãn nước 27.000 tấn có thể chứa được 14 trực thăng, là tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Ngoài ra, 2 tàu khu trục chở trực thăng Hyuga cũng đã được đưa vào sử dụng năm 2009 và 2011. Lượng giãn nước của 2 tàu này là 19.500 tấn, có thể chứa được 11 trực thăng, nhiệm vụ chủ yếu là tiến hành tác chiến chống ngầm, nhưng cũng có khả năng tiến hành tác chiến phòng không và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác.
Đồng thời, JMSDF còn trang bị máy bay tuần tra trên biển Kawaski P-1 và trực thăng chống ngầm SH-60K đang được nâng cấp sức mạnh trong tác chiến chống “sát thủ dưới lòng đại dương”.
JMSDF hiện có 5 tàu ngầm phi hạt nhân tối tân Soryu và 11 tàu ngầm Harushio, trong tương lai còn có kế hoạch sẽ tăng số lượng tàu ngầm lên 22 tàu. Tàu khu trục lớp Atago và tàu khu trục Kongo đang phục vụ đều được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis có khả năng phòng không/chống tên lửa đạn đạo và khả năng tác chiến chống mục tiêu mặt nước mạnh mẽ.
Máy bay tuần tra, chống ngầm phản lực thế hệ mới Kawasaki P-1 của Nhật Bản. |
Ngoài ra, lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản cũng triển khai 1 trung đội bay tại đảo Okinawa, tăng cường khả năng giám sát và trinh sát. Đồng thời Nhật Bản còn có kế hoạch mua máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk hiện đại của Mỹ và thiết lập một trạm giám sát phía trước tại đảo Yonaguni cách Đài Loan khoảng 60 hải lý, đảm bảo thông tin liên lạc cho JMASDF tại phía Tây Nam.
Các nhà phân tích cho rằng, khả năng chống ngầm, khả năng phòng vệ và khả năng giám sát trinh sát hiện đại của JMSDF cũng có nghĩa là họ đang cùng với Hải quân Mỹ âm thầm xây dựng chiến lược đối phó “A2/AD” của Trung Quốc.
Về mặt pháp lý, hành động chống “A2/AD” của Nhật Bản sẽ chịu giới hạn của Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản: cấm sử dụng lực lượng quân sự để giải quyết tranh chấp quốc tế; cấm sử dụng “quyền tập hợp quân đội”, không được sử dụng vũ lực để hỗ trợ đồng minh bị tấn công. Nhưng Nhật Bản cũng đã xác định chu vi khu vực phòng thủ là 1.000 hải lý, điều này có nghĩa là trong phạm vi khu vực này Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) có thể sử dụng vũ lực hỗ trợ Mỹ để Hải quân Mỹ khỏi bị tấn công.