Phát biểu tại Chương trình lắng nghe và trao đổi về “chậm cấp giấy chứng nhận chủ quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại các dự án” trên Đài truyền hình TPHCM sáng nay (2/7), bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, cho đến nay tình hình cấp giấy có nhiều chuyển biến tích cực hơn trước.
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, bà Tâm cũng thừa nhận hiện vẫn còn tình trạng chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại chậm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở cho người mua nhà. Điều này đặt ra trách nhiệm của các chủ đầu tư, chính quyền, vai trò các ngân hàng và lộ trình giải quyết thế nào để người dân yên tâm hơn.
Bà Tâm đặt câu hỏi là người dân khi ký hợp đồng với các chủ đầu tư có sơ hở gì hay không để dẫn đến chậm được cấp giấy chứng nhận?
Đi vào từng địa phương cụ thể, ông Phạm Minh Mẫn, Phó chủ tịch UBND Quận Tân Phú nêu thực trạng hiện nay có khoảng 10 dự án chung cư tại quận này rơi vào tình trạng chậm cấp giấy cho người mua nhà do vướng công trình chưa nghiệm thu bởi vi phạm xây dựng, chủ đầu tư chưa hoàn tất thủ tục nghiệm thu, chủ đầu tư đem dự án thế chấp ngân hàng trước khi bán cho người dân, chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai…
Ông Mẫn nêu trường hợp một dự án tại quận Tân Phú dù bán căn hộ từ 2004 đến nay dân trả gần hết tiền, đưa vào sử dụng vào năm 2009 nhưng sau đó chủ đầu tư đã thế chấp dự án này tại ngân hàng nên nhiều hộ dân chưa được cấp giấy chứng nhận. Do vậy, ông Mẫn đề nghị cần có chế tài mạnh hơn đối với các chủ đầu tư chậm hoàn tất các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận trong thời gian tới thì mới mong giải quyết rốt ráo tình trạng chủ đầu tư chây ì.
Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức cho biết, quận này đang có 105 dự án nhà ở, trong đó có 49 dự án đã hoàn thành, còn 15 dự án nhà ở và 8 dự án căn hộ chung cư đang được cấp giấy một phần hoặc chưa được cấp giấy cho dân. Nguyên nhân được cho là chủ đầu tư chưa xin lập thủ tục cấp giấy, chủ đầu tư đem thế chấp giấy chứng nhận trong ngân hàng nên chưa thể cấp giấy chứng nhận cho dân.
Ông Dũng lấy ví dụ một dự án khu dân cư có 419 nền đất ở Thủ Đức dù được triển khai từ 2009 và được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy, nhưng chủ đầu tư chỉ trao giấy cho khoảng 110 người mua, số còn lại đem thế chấp ngân hàng khiến nhiều người dân bức xúc.
Ông Trần Như Tô, một người dân sống tại chung cư An Bình, quận Tân Phú bày tỏ bức xúc: đã 5 năm trôi qua nhưng chủ đầu tư dự án trao giấy chứng nhận cho ông như cam kết ban đầu. Lúc thì chủ đầu tư nói là do vướng nghị định, lúc thì nói là do tính giá đất chưa đúng…
Tuy nhiên, ông Tô cho biết, theo thông tin ông nắm được là chủ đầu tư dự án này chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với nhà nước nên người dân bị vạ lây. Ông đề nghị cơ quan nhà nước có biện pháp xử lý sớm để dân được cấp giấy chứng nhận.
Còn ông Đặng Minh Quý, một người dân sống tại Khu dân cư Sông Đà, quận Thủ Đức nêu vấn đề mà nhiều người dân sống trong dự án bức xúc là dù nhiều người đã trả hết tiền theo hợp đồng chuyển nhượng nhưng đến nay chỉ có khoảng 30% số hộ được cấp sổ đỏ, còn số sổ còn lại được chủ đầu tư thuế chấp ngân hàng.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, từ ngày 1-7-2014 đến nay sở tiếp nhận trên 131 dự án với số lượng trên 35.400 giấy chứng nhận cần cấp. Đến nay đã giải quyết cấp trên 15.000 giấy hợp lệ, còn lại hơn 16.000 giấy chứng nhận chủ đầu tư chưa hoàn thành các thủ tục xin cấp và sở đang đốc thúc các chủ đầu tư thực hiện nhanh cho người mua nhà.
Hiện tại, TPHCM vẫn còn tình trạng người dân sau khi vào ở các dự án nhà chung cư, dự án đất nền chưa được cấp giấy chứng nhận. Ba nhóm nguyên nhân chính khiến việc cấp giấy chứng nhận chậm cho dân gồm vướng các thủ tục pháp lý; chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính chưa đầy đủ, thế chấp dự án tại ngân hàng; xây dựng công trình sai quy hoạch hoặc xây sai thiết kế được duyệt. Hiện toàn thành phố còn khoảng 80 dự án nhà ở bị chậm cấp giấy chứng nhận rơi vào 3 nhóm nguyên nhân nói trên, ông Thắng cho biết.
Ông Thắng nêu ra một số giải pháp để giải quyết tình hình trên. Về tồn tại thủ tục pháp lý theo Luật Đất đại và vướng các quy hoạch đô thị, ông Thắng cho biết toàn bộ các dự án có cấp phép xây dựng mới được triển khai xây dựng (tránh xây sai phép, sai quy hoạch), công khai thông tin để người mua nhà nắm đầy đủ thông tin dự án. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan sẽ giám sát chặt chẽ hơn trong quá trình xây dựng để hạn chế tình trạng sai phép của các dự án.
Ông Đỗ Phi Hùng, Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho hay, trước mắt cơ quan này sẽ giám sát chặt hơn công tác nghiêm thu công trình trước khi đưa vào sử dụng. Ông đề nghị thành phố cần sớm thành lập một tổ liên ngành để xử lý các tồn đọng trong cấp giấy chứng nhận lâu nay gồm các cơ quan: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Tài chính và Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TPHCM.
Về lâu dài, ông Hùng đề nghị các chủ đầu tư nâng cao trách nhiệm đối với khách hàng; cơ quan nhà nước giám sát chặt hơn các vi phạm của chủ đầu tư; kiểm tra chặt hơn đảm bảo 100% công trình xây dựng tại thành phố phải được kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm. Thành phố cần có chế tài cho các chủ đầu tư vi phạm, trong đó có việc không chấp thuận chủ đầu tư vi phạm thực hiện các dự án khác trên địa bàn thành phố, nêu tên các chủ đầu tư vi phạm trên website của các cơ quan chức năng liên quan …