Trước đây, khách hàng vay diện thế chấp nhà, xưởng chỉ phải mua bảo hiểm tài sản đảm bảo (trong đó có bảo hiểm cháy nổ, động đất). Đây là một biện pháp đảm bảo của ngân hàng về khả năng thanh lý tài sản thế chấp nếu chẳng may xảy ra sự cố, tránh nợ xấu cho ngân hàng. Điều này có thể chấp nhận được.
Nhưng hiện nay, theo phản ánh từ nhiều người, khách vay diện thế chấp đang bị ép phải mua đủ loại bảo hiểm không liên quan, như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe.
Ai chấp nhận mua thêm các loại bảo hiểm này thì được duyệt hồ sơ cho vay sớm, nếu không không được vay tiền hoặc bị trì hoãn duyệt hồ sơ và giải ngân. Lý do gì các nhà băng hành xử như vây?
Bancassurance - gà đẻ trứng vàng cho nhà băng
Theo thống kê Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), năm 2018, có 18 trong số 29 công ty bảo hiểm nhân thọ và 9 trong số 14 công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang thực hiện phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance).
Một số ngân hàng có thu nhập dịch vụ tăng mạnh như BacABank, VIB, TPBank, MB, SHB, ACB…, trong đó thu nhập từ bancassurance tiếp tục đóng góp phần quan trọng trong tổng thu dịch vụ.
Năm 2018, thu nhập từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm của Techcombank đạt 722,5 tỷ đồng, tăng 41% so với năm trước. Trong 9 tháng 2019, khoản này tăng 27%, đạt 592 tỷ đồng, chiếm 18% trong cơ cấu dịch vụ.
Với VPBank, ngân hàng ghi nhận thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm lần lượt 2.205 tỷ đồng và 2.187 tỷ đồng trong 2 năm 2017 và 2018. Tính đến hết quý 3/2019, thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của VPBank đạt 2.080 tỷ đồng, tăng 35%, chiếm 53% cơ cấu thu nhập dịch vụ.
9 tháng đầu 2019, TPBank cũng ghi nhận thu nhập dịch vụ kinh doanh và bảo hiểm hơn 396 tỷ đồng, tăng 70% cùng kỳ 2018, tương đương 42% cơ cấu thu nhập dịch vụ.
Nửa đầu năm 2019, ACB ước tính thu từ bancassurance gấp 2,5 lần cùng kỳ 2018, với doanh số bảo hiểm khoảng 350 tỷ đồng.
Năm 2019, doanh thu dự kiến của mảng bancassurance mà ACB đặt ra khoảng 600 tỷ đồng. Chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên 2019, Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy cho biết ngân hàng đặt kế hoạch thu nhập mảng này gấp 3 lần năm trước và đang cân nhắc các đối tác cho năm 2020.
Nhiều ngân hàng ép khách mua bảo hiểm mới giải ngân. |
Không có quy định bắt buộc bên vay phải mua bảo hiểm
Công ty bảo hiểm liên kết với ngân hàng (còn gọi là kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng - bancassurance) nở rộ tại Việt Nam khoảng 2-3 năm trở lại đây.
Theo quy định của các ngân hàng, cán bộ, nhân viên ngân hàng chỉ giới thiệu, khách hàng quan tâm thì sẽ gặp nhân viên tư vấn của công ty bảo hiểm, khách hàng tự quyết định có mua hay không, ký hợp đồng trực tiếp với công ty bảo hiểm chứ không phải với ngân hàng và không gắn với khoản vay.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng hiện tại pháp luật về ngân hàng không quy định bắt buộc bên vay phải mua bảo hiểm.
Do vậy, việc khách hàng mua thêm bảo hiểm tín dụng đối với khoản vay là thỏa thuận giữa Tổ chức tín dụng và khách hàng vay trên cơ sở ý chí tự nguyện của các bên.
Đồng thời hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng với khách hàng và hợp đồng bảo hiểm giữa khách hàng với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm là các giao dịch độc lập.
Còn đối với khoản vay thế chấp căn hộ hình thành trong tương lai, cơ quan quản lý không có quy định nào về việc người vay tiền mua căn hộ tại các dự án nhà ở thương mại phải mua bảo hiểm.
Do đó, tùy tình hình kinh doanh, các ngân hàng thương mại đồng loạt đưa ra điều kiện buộc người vay tiền mua căn hộ phải mua bảo hiểm là không nên.
Riêng cho vay mua nhà ở xã hội, các ngân hàng không được phép buộc người vay mua bảo hiểm. Trường hợp người vay tiền mua nhà ở xã hội bị ngân hàng ép mua bảo hiểm có thể phản ánh đến cơ quan quản lý, và Ngân hàng Nhà nước để có biện pháp xử lý thích đáng.
Theo VOV.VN, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực cho biết không có điều kiện bắt buộc cho khách hàng mà chỉ là khuyến khích.
Khuyến khích khách hàng mua bảo hiểm căn hộ, bảo hiểm xe cộ. Trong tín dụng thương mại, cho vay thương mại thì cần phải mua bảo hiểm đối với tài sản thế chấp đó. Khi vay ngân hàng mua ô tô thì yêu cầu phải mua bảo hiểm cho xe ô tô đó.
Bảo đảm khi có sự cố xảy ra sẽ có công ty bảo hiểm thay khách hàng thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Thực tế đã có một số trường hợp đang có khoản vay tại ngân hàng thì người vay gặp phải sự việc ngoài ý muốn, nhưng do có bảo hiểm trả thay nên họ đã thoát khỏi giai đoạn khó khan, ông Lực cho hay.
Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, về phía người vay, nên tìm hiểu kỹ các điều khoản ràng buộc của ngân hàng trước khi vay vốn để lường trước các tình huống.
Về phía ngân hàng, nếu coi đó là một điều khoản bắt buộc thì trước khi làm hồ sơ phải thông báo rõ cho khách hàng, tránh trường hợp nhân viên ngân hàng tư vấn không đến nơi đến chốn hoặc đợi đến khi chuẩn bị giải ngân mới thông báo, gây bức xúc cho người vay.
Theo báo Phụ Nữ, anh H. (ở TP.HCM) cho biết có nhu cầu vay 500 triệu đồng để mua nhà, được nhân viên Ngân hàng Eximbank tư vấn đến khi làm hợp đồng. Nhân viên này nói phải mua kèm theo bảo hiểm nhân thọ Generali với mức phí 3%; nếu vay 500 triệu đồng thì phí bảo hiểm là 15 triệu đồng/năm.
Không đồng ý, anh H. tìm qua Ngân hàng Techcombank đăng ký vay thì nhân viên cho biết, phải mua bảo hiểm nhân thọ Manulife mới nhận được lãi suất vay ưu đãi từ 8-9%/năm; nếu không mua bảo hiểm thì lãi suất có thể lên tới 12-13%/năm.
Anh H. tìm qua Ngân hàng TPBank, cũng bị ép mua bảo hiểm nhân thọ Manulife với mức phí 15 triệu đồng/năm.
Trường hợp tương tự cũng xảy ra tại nhiều ngân hàng khác trong thời gian qua. Theo đó, nhiều khách hàng mua căn hộ chung cư vay theo hình thức thế chấp căn hộ hình thành trong tương lai cũng buộc phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ.
"Nếu không mua thêm bảo hiểm nhân thọ thì ngân hàng chậm trễ, tìm mọi cách để hoãn việc giải ngân. Mà cứ chậm ngày nào thì chủ đầu tư dự án lại phạt lãi ngày đó, nhiều người sốt ruột, buộc phải ký mua thêm bảo hiểm nhân thọ mà không được quyền lựa chọn đối tác, có người có 2 - 3 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ rồi mà vẫn phải mua thêm" - một người mua nhà tại TP. Hà Nội cho biết.