Những năm trước, thời gian này là lúc Nguyễn Trung Nghĩa (22 tuổi, quê Quảng Ngãi), nhân viên công ty sản xuất xe máy điện, bắt đầu canh mua vé tàu hỏa để về nhà ăn Tết.
Tuy nhiên, năm nay Nghĩa phân vân khi gia đình nhắc chuyện khi nào về. Ngoài lý do công ty cho nghỉ lễ muộn, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng khiến cậu suy nghĩ nhiều.
Không riêng Trung Nghĩa, nhiều bạn trẻ khác cũng đắn đo trước quyết định hồi hương đón năm mới. Thậm chí, nhiều người chọn sẽ ăn Tết một mình tại TP.HCM để tiết kiệm chi phí cũng như đảm bảo sức khỏe cho gia đình.
Trung Nghĩa lo sợ không quay lại TP.HCM làm việc được sau Tết. Ảnh: NVCC. |
“Trước đây, cứ nhắc đến nghỉ Tết lòng mình lại thấy rộn ràng chứ không như bây giờ. Dù địa phương ở quê kiểm soát dịch khá tốt, mình vẫn lo lắm. Sợ nhất là về quê an toàn nhưng khó trở lại TP.HCM để làm việc tiếp”, cậu tâm sự với Zing.
Nghĩa cho biết dù băn khoăn nhiều song cậu vẫn nghiêng về phương án trở về. Với Nghĩa, Tết vừa là dịp quan trọng để gắn kết cả nhà, vừa tạo cơ hội để thư giãn, chăm sóc bản thân sau một năm bươn chải.
“Nếu không được cùng người thân đón năm mới, mình sẽ tủi thân lắm. Ba mẹ đã lớn tuổi, mình muốn tranh thủ dịp này dành nhiều thời gian bên gia đình, bù lại những tháng ở xa”, Nghĩa nói.
Dù phân vân, Hồng Thắm vẫn muốn về quê để cùng đón giao thừa với người thân. Ảnh: NVCC. |
Hơn nửa năm mắc kẹt ở TP.HCM vì dịch Covid-19, Hồng Thắm (21 tuổi, quê Tiền Giang), nhân viên tư vấn siêu thị, nửa mong mỏi, nửa lo lắng khi nghĩ đến chuyện về nhà ăn Tết.
“Xa nhà lâu ai chẳng nhớ, nhưng vừa rồi mẹ có gọi lên báo tình hình dịch bệnh quê đang căng thẳng trở lại. Tinh thần soạn đồ về ăn Tết của mình do vậy cũng không còn háo hức”, Thắm nói.
Tuy đắn đo, cô vẫn hy vọng địa phương sẽ nhanh chóng ổn định để mọi người cùng an toàn đón xuân. Nếu không có gì thay đổi, Hồng Thắm sẽ tự về quê bằng xe máy trong ngày 27 âm lịch.
Nhiều tháng nay, hễ có ai nhắc tới việc nhà ăn tết, Cao Văn Hậu (21 tuổi, quê Đồng Nai) chỉ đành thở dài. Hậu cho biết, khả năng cao sẽ phải đón tết một mình tại TP.HCM.
Văn Hậu chọn ở lại TP.HCM để tìm việc làm thêm trong Tết. Ảnh: NVCC. |
Việc học và thi cử của Hậu đều được tổ chức theo hình thức trực tuyến nên cậu cần đường truyền mạng ổn định cùng không gian thoải mái.
“Nhà mình khá nhỏ, lại đông con, Wi-Fi thường mất kết nối khiến mình khó tập trung, dễ tranh cãi với mọi người. Mình vẫn còn lịch học và nhiều bài tập lớn trong tết nên sẽ ổn hơn khi ở lại TP.HCM”, Hậu cho biết.
Đây có thể sẽ là năm thứ 3 Hậu không đón Giao thừa cùng gia đình.
Từ khi vào đại học, cứ sắp đến Tết, Hậu lại tranh thủ tìm việc làm để có thêm phí sinh hoạt. Lương thưởng những ngày đầu năm cao gấp 3 bình thường nên cậu thường làm việc xuyên suốt, không về nhà ăn Tết.
Dù nhớ nhà và muốn quây quần bên gia đình những ngày đầu năm mới, vấn đề tiền bạc luôn là lý do để cậu phải suy nghĩ nhiều.
Văn Hậu đã bắt đầu tìm kiếm công việc làm thêm trong Tết ngay từ tháng 12. Cậu hy vọng lương thưởng những ngày đầu năm sẽ dư dả để gửi về cho mẹ và sắm thêm quần áo, dụng cụ học tập mới.
Đã xác định sẽ không về quê đón năm mới do tình hình dịch bệnh còn phức tạp, Nguyễn Huy Hoàng (26 tuổi, quê Quảng Ngãi), nhân viên công ty xây dựng, có chút buồn bã khi trò chuyện cùng Zing.
Hoàng cho hay nơi anh làm việc thường cho nghỉ Tết khá trễ. Bên cạnh đó, đặc thù công việc đòi hỏi phải tiếp xúc với nhiều khách hàng, dễ có khả năng mắc Covid-19 nên anh ngại về quê.
“Ở nơi mình sống, nhiều người chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine nên không thoải mái với người về từ TP.HCM. Mình hiểu và thông cảm cho họ nên xin gia đình không về nhà năm nay, coi như đảm bảo an toàn cho mọi người”, anh nói.
Đây không phải lần đầu Huy Hoàng đón năm mới xa quê nên anh thấy khá thoải mái.
“Năm trước có bạn ở chung nên tụi mình cùng nấu ăn, đi chơi xuân khá vui. Năm nay chỉ có một mình, chắc mình sẽ dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân trước khi quay lại làm việc”.