Từ 9h sáng 9/3, tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm, số 2 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội bắt đầu trưng bày mô hình tổng mặt bằng ga tàu điện ngầm C9, tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo để lấy ý kiến nhân dân.
Ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội giới thiệu sơ đồ dự án với các cơ quan báo chí. Ảnh VK. |
Ông Lê Trung Hiếu - Phó trưởng Ban ĐSĐT Hà Nội cho biết, ga C9 thuộc dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo. Theo phương án quy hoạch, ga C9 được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và phần dưới vườn hoa hồ Hoàn Kiếm.
Nhà ga C9 dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m, có 3 tầng. Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới hồ Hoàn Kiếm khoảng 10m, tới tượng đài Cảm tử 81m, đến đền Bà Kiệu 83m, đến Tháp Bút 36m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120m.
Sơ đồ và hướng tuyến, vụ trí nhà ga C9 bên bờ hồ Hoàn Kiếm. |
Ga có bốn cửa lên xuống, gồm cửa số 1 được bố trí cùng cụm công trình phụ trợ trong khuôn viên Tổng công ty Điện lực Hà Nội; cửa số 2 có một phần nằm trên vỉa hè đường Trần Nguyên Hãn và trên một phần đất của Tổng công ty Điện lực miền Bắc; cửa số 3 đặt bên cạnh thân ga trên vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm; cửa số 4 bố trí phía sau tượng đài Cảm tử, phố Hàng Dầu.
Việc bố trí ga C9 ở khu vực cạnh hồ Gươm có nhiều lợi ích, hạn chế phương tiện cá nhân, giảm áp lực giao thông cho khu vực hồ. Bởi lẽ, khi người dân đến khu vực hồ bằng tuyến đường ngầm có thể sẽ không còn đi các phương tiện khác, nên hạn chế ách tắc giao thông.
Đề cập đến khu vực hồ Gươm là biểu tượng, chứng tích lịch sử văn hóa tâm linh của Hà Nội cần phải thận trọng khi triển khai xây dựng các công trình, đại diện Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho rằng, khi triển khai mặt bằng ga ngầm C9, đơn vị đã phối hợp với đơn vị tư vấn, xin ý kiến các đơn vị liên quan như Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch; UBND TP. Hà Nội, tham vấn cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức… và đa số chấp thuận được.
Rất đông người dân tới tham quan và đóng góp ý kiến cho bản quy hoạch. Ảnh VK. |
Mặc dù vậy, UBND TP. Hà Nội vẫn chỉ đạo cần phải có tham vấn cộng đồng để tiếp tục hoàn thiện và quan trọng nhất là sớm chốt phương án quy hoạch tổng mặt bằng để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong thời gian trưng bày, Ban ĐSĐT Hà Nội bố trí bàn ghi nhận ý kiến tại chỗ, đồng thời tiếp thu các đóng góp của cán bộ, nhân dân Thủ đô cũng như các chuyên gia, nhà khoa học thông qua nhiều hình thức khác nhau như email.
Theo ghi nhận của phóng viên VOV.VN, ngay từ sớm, đã có rất đông các nhà nghiên cứu, chuyên gia kiến trúc, xây dựng và người dân đến tham quan và đóng góp ý kiến cho bản quy hoạch.
Quy hoạch dự án nhận được sự quan tâm của nhiều người dân Thủ đô. Ảnh VK. |
Nhiều ý kiến mong muốn dự án được sớm triển khai, góp phần xây dựng thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại. Đồng thời, nhiều người bày tỏ sự đồng thuận đối với việc lựa chọn vị trí đặt ga ngầm C9 tại Hồ Gươm.
Ông Nguyễn Bá Lăng (phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng) sau khi xem sơ đồ quy hoạch nhà ga C9, cho biết: "Rất đồng tình với dự án, đây là một quy hoạch hợp lý để phục vụ cho nhu cầu của người dân và nên sớm được triển khai".
Bà Phan Minh Hoa, (74 tuổi, phố Lương Văn Can, quận Hoàn Kiếm) bày tỏ đồng thuận với bản quy hoạch, đồng thời cho rằng quy hoạch nhà ga C9 là một dự án cần thiết phải có, phục vụ cho tốt hơn việc đi lại.
“Dân chúng tôi ngóng chờ đường sắt trên cao, đường sắt đô thị, tàu điện ngầm lâu quá rồi, không biết từ giờ đến lúc chết có được đi cho thỏa mãn không. Rất mong được sớm triển khai, đừng để trên giấy mãi…”, bà Hoa hóm hỉnh nói.
Nhiều ý kiến băn khoăn
Trong khi đó, cũng có một số ý kiến trái chiều, bày tỏ sự không tán thành, nghi ngại khi được hỏi về kế hoạch xây dựng ga ngầm C9.
"Nói riêng về mặt bảo tồn di tích, đó đã là điều bất hợp lý, hơn nữa, tôi đã sống ở thành phố này bao nhiêu năm, đã từng tận hưởng sự tĩnh lặng của Hà Nội. Còn bây giờ, Thủ đô của chúng ta đã nhốn nháo hơn rất nhiều, mà bây giờ lại xây nhà ga vào ngay giữa trung tâm thành phố như vậy, tôi cho là bất hợp lý", một người dân đến tham quan có ý kiến.
Là một công dân thủ đô, kiến trúc sư Trần Huy Ánh đã đến tham quan mô hình trưng bày và nêu quan điểm của mình trong vấn đề này.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh phân tích về những bất cập trong quy hoạch dự án.Ảnh VK. |
Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, dự án này có phục vụ nâng cấp đô thị hay không và những vấn đề hạ tầng khác như cấp thoát nước, đường dây ngầm.. thế nào?
“Tôi cho rằng không giải quyết được. Và nếu một dự án tốn kém như vậy mà chỉ đề phục vụ nhu cầu đi lại thì rõ ràng là quá lãng phí", ông Ánh nói.
Đồng tình với kiến trúc sư Trần Huy Ánh và việc xây dựng nhà ga ngầm, nhưng GS sử học Lê Văn Lan lại băn khoăn với sơ đồ quy hoạch mà chủ đầu tư đưa ra.
"Xây nhà ga ngầm là điều không thể khác, nhưng đáng tiếc là nó lại ứng vào một địa điểm quá nhạy cảm. Tôi đã có ý kiến là các vị trí nên xê dịch đi một chút để tránh "va chạm" với các di tích lịch sử".
Theo đại diện Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, thời gian trưng bày, xin ý kiến sẽ kết thúc vào ngày 31/3. Trong thời gian trưng bày, Ban sẽ có bàn ghi nhận ý kiến tại chỗ, đồng thời tiếp thu các đóng góp của cán bộ, nhân dân thủ đô cũng như các chuyên gia, nhà khoa học thông qua nhiều hình thức khác như: email, khảo sát trực tuyến…nhằm tiếp tục hoàn thiện phương án quy hoạch tổng mặt bằng để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt./.